Multimedia Đọc Báo in

Đừng ngại "xấu chàng hổ ai"

12:13, 20/08/2020
Bạo lực là một trong những vấn đề nhức nhối, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến rạn vỡ hạnh phúc gia đình. Nạn nhân bạo lực gia đình thường là phụ nữ, nhưng vì tâm lý e ngại, quan niệm “xấu chàng hổ ai”, nên nhiều người vẫn ngậm ngùi cắn răng chịu đựng nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần. 
 
Những ngày gần đây, dư luận hết sức phẫn nộ trước sự việc người vợ bị chồng bạo hành trong suốt 11 năm chung sống ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đỉnh điểm là cuối tháng 7-2020, chị bị chồng đánh đến ngất xỉu, phải đi viện cấp cứu với thương tích nặng, mọi sinh hoạt phải nhờ người phục vụ… Một trong những nguyên nhân của những trận đòn là vì ông chồng say sưa rượu chè, cờ bạc, rồi gây gổ và đánh vợ vì tội “không biết đẻ” (11 năm chung sống, hai người không có con)!
 
Những câu chuyện bạo lực gia đình vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức. Trong xóm nhỏ nơi tôi sinh sống có cặp vợ chồng thường xuyên “cơm không lành, canh không ngọt”, những trận chửi bới, thóa mạ, đánh đập vợ có thể diễn ra bất cứ thời điểm nào trong ngày, nhiều khi giữa đêm khuya. Bà con làng xóm đến góp ý, can ngăn nhưng tình trạng bạo hành vẫn không giảm. Lý do khiến người vợ cứ chịu đựng mãi cảnh này là: “Tính ổng vậy, dần rồi cũng quen, giờ con cái lớn hết rồi, ly hôn cũng khó, không khéo lại bị thiên hạ chê cười…".
 
Xây dựng hạnh phúc gia đình là trách nhiệm của các thành viên trong gia đình. (Ảnh minh họa)
Xây dựng hạnh phúc gia đình là trách nhiệm của các thành viên trong gia đình. (Ảnh minh họa)
Cũng bởi tâm lý sợ người đời cười chê, mà trong rất nhiều vụ bạo hành, người vợ đã không dám lên tiếng bảo vệ mình. Rất nhiều sự việc khi vượt quá ngưỡng chịu đựng của người trong cuộc thì cơ quan chức năng, người thân, làng xóm mới rõ phần nào.
 
Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2017 đến năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1.075 vụ bạo lực gia đình, trong đó bạo lực về thân thể chiếm tỷ lệ 43,72%, nạn nhân bị bạo lực có tới 934 người là nữ. Mặc dù theo thống kê, số vụ bạo lực gia đình có chiều hướng giảm dần theo từng năm, tuy nhiên điều đó chưa hẳn đã phản ánh hiện trạng thực của cuộc sống.
 
Nguyên nhân dẫn đến bạo lực thì quá nhiều, trong đó thường xuất phát từ tư tưởng trọng nam khinh nữ. Sự bất bình đẳng này còn thể hiện ngay từ chính nhận thức của người phụ nữ bị bạo hành là chấp nhận, chịu đựng, với quan niệm “xấu chàng hổ ai”, “đèn nhà ai nấy rạng”. 
 
Để xóa bỏ tình trạng bạo lực gia đình, rất cần sự chung tay, trách nhiệm của cả cộng đồng, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các thành viên trong gia đình là điều rất quan trọng. Cùng với đó, hơn ai hết, người bị bạo hành nên mạnh dạn, dũng cảm lên tiếng để cơ quan chức năng kịp thời có biện pháp hỗ trợ, phòng ngừa, ngăn chặn phù hợp và hiệu quả.
 
Song Quỳnh

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.