Multimedia Đọc Báo in

"Giữ lửa" nghề dệt thổ cẩm truyền thống

15:19, 27/08/2020

Đã từ bao đời nay, nghề dệt thổ cẩm đã ăn sâu vào tiềm thức của người phụ nữ và là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Êđê. Ở xã Ea Blang (thị xã Buôn Hồ) hiện nay vẫn có không ít các bà, các mẹ và cả những cô gái trẻ hằng ngày miệt mài truyền dạy, dệt nên các sản phẩm truyền thống.

Trong căn nhà nhỏ của mình, bà H’Bin Niê (buôn Tring 4) vẫn tỉ mỉ dệt những tấm khăn, áo váy thổ cẩm để kịp giao cho khách. Đợt này, bà nhận dệt một áo nam và 1 bộ váy áo nữ cho một vị khách ở thị xã Buôn Hồ đặt mua, mỗi chiếc váy hoặc áo phải dệt tầm 10 ngày mới xong. Với bà, dệt thổ cẩm không chỉ là nghề để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống mà hơn hết đó là niềm đam mê từ khi còn nhỏ và là cách để lưu giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống của cha ông cho thế hệ mai sau.

Bà H'Bin chỉ dạy H'Roanh cách dệt những tấm khăn và váy áo.
Bà H'Bin chỉ dạy H'Roanh cách dệt những tấm khăn và váy áo.
 
Mỗi hoa văn trên từng sản phẩm váy, áo, khăn được bà H’Bin dệt theo hình dáng khác nhau. Đó là hình con rồng đôi ở chiếc váy, rồng đất trên áo và những hạt gạo, hạt mướp trên chiếc khố, tấm khăn choàng, chiếc túi xách… Bao nhiêu năm qua, bà vẫn lưu giữ nghề được mẹ truyền dạy từ năm 12 tuổi. Trước đây, vì cuộc sống khó khăn, hằng ngày bà làm nương rẫy để lo cho gia đình nhưng mỗi tối khi mọi việc đã xong, bà lại cặm cụi bên khung cửi để dệt những tấm khăn địu, chiếc chăn đắp và bộ áo quần cho các thành viên trong nhà. Những năm gần đây, khi cuộc sống ổn hơn, các con cũng đã lập gia đình thì bà dành thời gian nhiều hơn cho công việc này. Cùng với đó, nhờ đôi bàn tay khéo léo và sự tinh tế trong từng đường kim, mũi chỉ dần dần bà nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn.
 
Có thể nói, chính ngọn lửa yêu nghề từ bao nhiêu năm nay của bà H’Bin đã tiếp tục lan tỏa đến hai người con gái nên các cô đều có thể dệt thành thạo những tấm khăn, chiếc túi, tấm váy, áo rồi tự may thành sản phẩm hoàn chỉnh. Cô con gái đầu là H’Huyên Niê sau khi tham gia lớp dạy nghề dệt thổ cẩm do UBND xã phối hợp mở đã tự tìm tòi, học hỏi thêm kinh nghiệm của mẹ và trở thành cô giáo được mời đi giảng dạy cho nhiều lớp dạy nghề dệt khác trong và ngoài xã.
 
Quả thực, tìm đến buôn Tring 3 và buôn Tring 4 ở xã Ea Blang không khó để bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ và cả những cô gái lứa tuổi đôi mươi say sưa dệt thổ cẩm bên khung cửi ở góc nhà. Như H’Roanh Hwing (22 tuổi, buôn Tring 4) vừa tan lớp học dạy nghề thổ cẩm ở xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ) liền tìm đến nhà bà H’Bin để nhờ chỉ dạy thêm cách giăng sợi, dệt những hoa văn trên tấm khăn sao cho tinh tế.  H’Roanh chia sẻ, mẹ em cũng biết dệt nhưng do không có thời gian và kinh nghiệm truyền dạy nên em đã đăng ký lớp học nghề ở xã kế bên. Đến nay, chỉ sau mấy buổi học em càng thích thú với nghề dệt truyền thống của dân tộc mình. Do thời gian học ở lớp có hạn nên sau khi về nhà em liền tìm đến nhà bà H’Bin để học hỏi thêm. Mong muốn của em sau khi tham gia lớp học là có thể tự tay dệt một bộ váy áo thổ cẩm cho mình để mặc vào những dịp lễ hội của gia đình, địa phương.
 
Theo ông Nguyễn Tú Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Ea Blang, hiện nay ở hai buôn trên địa bàn xã có hàng chục người biết dệt thổ cẩm; trong đó riêng buôn Tring 4 có khoảng 40 chị em biết dệt. Để bảo tồn nghề dệt truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê, đồng thời góp phần tạo công ăn việc làm tăng thu nhập cho người dân, địa phương đã thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm và rượu cần ở buôn Tring 4; đến nay đã có 15 người tham gia. Bước đầu, các sản phẩm dệt thổ cẩm được nhiều người đón nhận nhưng đầu ra vẫn còn hạn chế. Tuy vậy, các chị em vẫn gắn bó với nghề dệt bằng tâm niệm góp một chút công sức nhỏ bé của mình để lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Thúy Hồng

Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.