Multimedia Đọc Báo in

Nhân rộng việc triển khai "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình"

08:44, 21/08/2020

Đắk Lắk là một trong 12 tỉnh, thành trên cả nước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” (Bộ tiêu chí) năm 2019. Kết quả qua một năm thực hiện là cơ sở để tỉnh ta tiếp tục nhân rộng việc triển khai bộ tiêu chí này trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Bộ tiêu chí gồm tiêu chí ứng xử chung và các tiêu chí ứng xử cụ thể. Tiêu chí ứng xử chung gồm: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ. Các tiêu chí ứng xử như: Ứng xử vợ chồng; của cha mẹ với con, ông bà với cháu; của anh, chị, em... Từng tiêu chí có những nội dung cụ thể, như: Chung thủy, nghĩa tình, chăm sóc nhau; cùng có trách nhiệm trong nuôi dạy con, làm việc nhà, đóng góp tài chính gia đình; lắng nghe, cùng nhau thảo luận những vấn đề chung...

Năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chọn thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar) và xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) để triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí. Qua một năm thực hiện có thể thấy, Bộ tiêu chí đã có những tác động tích cực với các hộ gia đình về các chuẩn mực giá trị đạo đức và văn hóa. Tại thị trấn Ea Pốk, ngay trong buổi lễ phát động đã có 4 gia đình tham gia ký cam kết thực hiện. Từ đó đến nay, trên địa bàn thị trấn đã có 300 gia đình với nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau đăng ký thực hiện. Trong đó, gia đình một thế hệ: 8 hộ; gia đình hai thế hệ: 200 hộ; gia đình ba thế hệ trở lên: 92 hộ…

Ðại diện những hộ dân trên địa bàn xã Ea Nuôl (huyện Buôn Ðôn) tham gia đăng ký thực hiện "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình".
Ðại diện những hộ dân trên địa bàn xã Ea Nuôl (huyện Buôn Ðôn) tham gia đăng ký thực hiện "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình".

Theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các hộ tham gia thực hiện Bộ tiêu chí đã có ý thức hơn trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình; mỗi thành viên trong gia đình đều cố gắng tự hoàn thiện bản thân như: Ông bà, cha mẹ gương mẫu, yêu thương chăm sóc, giáo dục con cháu; vợ chồng chung thủy yêu thương, chia sẻ; con cháu kính trọng, yêu thương, chăm sóc ông bà, bố mẹ; anh, chị, em trong gia đình yêu thương, hòa thuận. Bên cạnh đó, họ cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, tham gia nhiệt tình các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương, chung tay xây dựng nông thôn mới...

Gia đình ông Huỳnh Văn Hòa (thôn Cư H’lăm, thị trấn Ea Pốk), một trong những hộ đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí năm 2019 cho biết: “Gia đình tôi theo nếp sống truyền thống của cha ông, người đàn ông là trụ cột gia đình, vợ chồng chung thủy… nên hoàn toàn ủng hộ thực hiện Bộ tiêu chí, cũng những vấn đề đó nhưng đã được cụ thể hóa, có quy tắc rõ ràng sẽ tạo nên phong cách sống tốt hơn và phát huy tốt hơn nữa truyền thống của gia đình”.

Để Bộ tiêu chí thật sự đi vào đời sống, Ban tổ chức cũng đã phối hợp với các hội, đoàn, thể tổ chức các lớp tập huấn; lồng ghép với nhiều hoạt động khác như: tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình; tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình phòng chống bạo lực gia đình; tôn vinh gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực, gia đình hiếu học; xây dựng gia đình văn hóa với những giá trị đạo đức chuẩn mực qua cách ứng xử của các thành viên… Từ đó phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống; xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống và trí tuệ; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; giữ gìn, bảo vệ các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội.

Từ những kết quả bước đầu, tháng 7-2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chọn xã Buôn Tría (huyện Lắk) và xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) để triển khai “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” bằng nguồn ngân sách của địa phương. Theo kế hoạch, đến năm 2025, 180 xã, phường còn lại sẽ triển khai thực hiện bộ tiêu chí này.

Mai Sao

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.