Những nữ sinh tình nguyện của Đắk Lắk ở "tâm dịch" Đà Nẵng
Ðến tác nghiệp trong các khu cách ly y tế tập trung để phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Ðà Nẵng, chúng tôi thực sự rất bất ngờ và cảm động khi tình cờ gặp được 3 nữ sinh Ðắk Lắk năng nổ, nhiệt tình, tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện tại đây.
Trên tuyến đầu chống dịch, công việc vất vả, nặng nhọc, nguy cơ lây nhiễm cao, thường xuyên phải thức khuya dậy sớm song các em luôn động viên nhau cố gắng vượt qua, góp phần cùng các lực lượng từng bước khoanh vùng, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.
Hoàng Ngọc Chinh (21 tuổi, ở xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại các tỉnh miền Trung, nhà trường chuyển sang dạy học trực tuyến nên nhiều bạn bè trong xóm trọ của Chinh lần lượt rủ nhau về quê tránh dịch. Không muốn mình trở thành nỗi lo của người thân, Chinh quyết định ở lại “tâm dịch” và đăng ký tham gia các hoạt động tình nguyện do Thành Đoàn Đà Nẵng phát động. Sau khóa tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng, kiến thức cơ bản về công tác phòng chống dịch, chăm sóc công dân, cuối tháng 7, Chinh và các tình nguyện viên được cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Kết quả âm tính, họ chính thức bước vào “cuộc chiến” đầy cam go, quyết liệt với "kẻ thù" mang tên Covid-19.
Các nữ tình nguyện viên quê Ðắk Lắk chụp ảnh lưu niệm với những công dân Ðà Nẵng đã hoàn thành thời gian cách ly tập trung. |
Chinh tâm sự: “Nhiệm vụ chính của các tình nguyện viên là tham gia công tác bảo đảm hậu cần, nhận cơm, phát cơm, cấp nước, quét dọn vệ sinh, phun khử khuẩn, lau chùi hành lang, cầu thang, bàn ghế, tay nắm cửa của các dãy nhà trong khu cách ly. Tuy được trang bị đầy đủ quần áo, trang thiết bị bảo hộ nhưng do thường xuyên phải tiếp xúc gần với các đối tượng F1, F2 và nhân viên y tế, nguy cơ lây nhiễm rất cao nên chúng tôi phải ăn ở, sinh hoạt luôn tại khu cách ly. Ngoài chế độ tiêu chuẩn chung dành cho các tình nguyện viên, chúng tôi còn thường xuyên nhận được sự quan tâm, ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần từ các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức và thân nhân gia đình của các bệnh nhân đang phải cách ly”.
Cùng khu cách ly với Chinh còn có Nguyễn Thị Kim Anh (21 tuổi, nhà ở huyện Krông Pắc) là sinh viên năm thứ ba Trường Đại học Đông Á. Cùng quê lại chơi với nhau rất thân, Chinh và Kim Anh đã hỗ trợ, động viên, giúp đỡ nhau rất nhiều trong thời gian tham gia tình nguyện. Tối 7-8 vừa qua, Chinh vô cùng bất ngờ, xúc động khi được Quận Đoàn Sơn Trà và mọi người đứng ra tổ chức sinh nhật cho mình. Sinh nhật lần thứ 21, dẫu không có người thân bên cạnh để chung vui nhưng em đã bật khóc trong hạnh phúc.
Cũng tham gia hoạt động tình nguyện ở quận Sơn Trà còn có Hà Mỹ Dung (21 tuổi, nhà ở phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột), là sinh viên Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng. Dung kể, tuy đã xác định tâm thế sẵn sàng từ trước song ngày đầu tiên bước chân vào khu cách ly em vẫn không tránh khỏi cảm giác hồi hộp và lo lắng. Làm dần rồi cũng quen, mọi nhiệm vụ được giao, em và các bạn tình nguyện viên đều hoàn thành xuất sắc. Mỗi lần đi đưa cơm cho người dân, các bạn đều vui vẻ chuyện trò, động viên, khích lệ giúp họ có thêm động lực, tinh thần để vượt qua giai đoạn đầy khó khăn, thử thách này. Thấy nhiều bác lớn tuổi không biết cách cài đặt ứng dụng “khẩu trang điện tử” Bluezone để tự bảo vệ mình, Dung đều tận tình hướng dẫn. Ngày thứ hai đưa cơm lên tầng 3 khu cách ly, cô rất xúc động khi thấy ngay đầu cầu thang có một chiếc thùng giấy to, dán tờ giấy A4 ghi dòng chữ: “Các bạn cứ để hết cơm vào đây, không cần mang đến tận phòng cho bọn mình đâu. Bọn mình sẽ tự ra lấy. Cảm ơn các bạn rất nhiều”. Chỉ mấy dòng chữ vậy thôi mà Dung và các bạn sinh viên cảm động đến trào nước mắt. Được biết, không chỉ tham gia làm tình nguyện viên phòng chống dịch Covid-19, những năm qua Dung còn là thành viên tích cực trong các hoạt động “Hành trình đỏ kết nối dòng máu Việt” hay bán báo gây quỹ hỗ trợ trẻ em nghèo hiếu học.
Kể về những kỷ niệm trong quá trình tham gia tình nguyện ở “tâm dịch”, các bạn tình nguyện viên cho hay động lực lớn nhất để các bạn hoàn thành nhiệm vụ của mình chính là tình cảm của người dân nơi đây. Rất nhiều chị, nhiều cô bác sau khi hoàn thành thời gian cách ly ngày ngày vẫn hái rau, nấu chè, gói bánh gửi lên hỗ trợ, động viên lực lượng sinh viên tình nguyện. Tuy giá trị vật chất không đáng là bao, song tình cảm luôn đong đầy, chan chứa. Mỗi sáng thức dậy, thấy ai đó hoàn thành thời gian cách ly, kết quả xét nghiệm âm tính, được trở về bên gia đình, những tình nguyện viên như Chinh, Dung, Kim Anh… cũng cảm thấy vui lây.
Việt Hùng
Ý kiến bạn đọc