Trưởng thành từ hoạt động thiện nguyện
11:36, 16/08/2020
Mỗi người một ngành nghề, độ tuổi khác nhau nhưng gần 8 năm qua những tình nguyện viên của nhóm thiện nguyện Vòng tay yêu thương (VTYT) huyện Krông Pắc, trực thuộc Mạng lưới tình nguyện khu vực Tây Nguyên đã cùng nhau thực hiện nhiều công trình, phần việc ý nghĩa giúp đỡ cộng đồng.
Mỗi chuyến tình nguyện là một cơ hội để các bạn trẻ có thể thay đổi bản thân, chia sẻ, thấu hiểu những mảnh đời khốn khó quanh mình và mang niềm vui đến cho người - cho mình. Trưởng nhóm VTYT Nguyễn Duy Học chia sẻ: “Có nhiều tình nguyện viên ban đầu chỉ tham gia cho vui, nhưng hiện nay đã trở thành lực lượng nòng cốt của nhóm. Từ những bạn trẻ rụt rè, nhút nhát giờ đây đã năng động, tự tin, có nhiều ý tưởng sáng tạo giúp đỡ người dân vùng khó khăn”.
Năm 2016, lần đầu tiên anh Hoàng Thái An (SN 1992, thôn 1A, xã Ea Kly) tham gia tình nguyện cùng nhóm VTYT. Anh An làm nghề cơ khí, công việc khá bận rộn nên ban đầu nghĩ chỉ tham gia vài chương trình cần lao động có kỹ thuật như sửa bàn ghế, trường học, xây dựng nhà ở… khi rảnh rỗi cho vui. Thế nhưng, càng đi nhiều càng thấy nhiều hoàn cảnh bất hạnh cần được giúp đỡ, anh An đã tình nguyện tham gia hoạt động nhiều hơn và dần dần trở thành thành viên chủ chốt của nhóm.
Anh An tâm sự: “Các hoạt động của nhóm VTYT chủ yếu hỗ trợ học sinh nghèo ở khu vực khó khăn. Tới những điểm dân cư ở vùng sâu, vùng xa, nhìn thấy còn có trẻ em nghèo sống trong những ngôi nhà cũ nát, tôi cảm thấy xót xa, nên nảy ra ý tưởng về mô hình căn nhà làm bằng tôn, với các chi tiết lắp ghép bằng sắt vững chắc. Nhà có diện tích 30 m2, gồm có phòng khách và bếp, chi phí khoảng 25 – 30 triệu đồng, thời gian thực hiện trong gần 2 ngày”.
Anh Hoàng Thái An tham gia chương trình trao áo ấm tặng trẻ em nghèo tại xã Cư Pui (huyện Krông Bông). |
Ý tưởng này được cả nhóm ủng hộ. Đến nay đã có 5 mô hình nhà ở như thế này được tặng cho các em học sinh nghèo, là hoạt động nổi bật của nhóm VTYT, giúp người dân vùng khó bớt đi lo lắng về nhà ở, nhất là những người nghèo chưa có nhà, hoặc nhà ở dột nát, hay bị ngập nước khi mưa gió.
Cũng là một thành viên có nhiều đóng góp trong các hoạt động thiện nguyện của nhóm VTYT, anh Nguyễn Văn Hùng (SN 1992, thôn 4A, xã Ea Kly) nhận thấy khi tham gia hoạt động tình nguyện giúp anh tự tin và trưởng thành hơn. Bản thân anh bị hở hàm ếch nên tự ti, ngại giao tiếp. Mọi chuyện dần thay đổi khi cuối năm 2016, anh Hùng mạnh dạn đăng ký tham gia hoạt động gói bánh chưng tặng trẻ em nghèo tại xã Cư K’róa (huyện M’Đrắk).
Hôm đó trời rất lạnh, cái lạnh xuyên qua những lớp quần áo ấm dày cộp khiến nhiều người co ro, vậy mà đến đây chứng kiến nhiều em nhỏ vẫn chân trần, áo mỏng phong phanh, nhẫn nại ngóng những món quà thiện nguyện, anh cảm thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người và mong muốn được giúp đỡ nhiều hơn cho những hoàn cảnh khó khăn.
Từ đó, anh chủ động sắp xếp thời gian tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện. Anh Hùng làm nghề sửa xe khá vất vả và bận rộn nhưng vẫn chịu khó tìm hiểu thêm về cơ khí để hỗ trợ nhóm khi thực hiện các chương trình sửa chữa trường học, xây dựng nhà ở cho người dân nghèo. Nhờ vậy, anh Hùng không chỉ tự tin, giao tiếp tốt hơn, có thêm nhiều bạn mới mà còn khiến cuộc sống của anh thay đổi tích cực.
Qua hoạt động thiện nguyện mà các tình nguyện viên nhóm VTYT ngày một trưởng thành, đem sức trẻ thực hiện những việc làm ý nghĩa cho cộng đồng. Những năm qua, nhóm VTYT đã góp sức xây dựng 5 căn nhà (25 - 30 triệu đồng/căn), sửa chữa và thay mới hơn 500 bộ bàn học, tặng nhiều phần quà… hỗ trợ người dân, học sinh vùng sâu vùng xa ở trong và ngoài tỉnh.
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc