Multimedia Đọc Báo in

Nghề dán keo xe

08:36, 24/09/2020

So với những công việc khác, dán keo xe được coi là nghề có thời gian học ngắn, thiên nhiều về thực hành theo kiểu “chăm hay không bằng tay quen”.

Nếu chăm chỉ học và “để tâm” một chút thì sau khi học nghề 6 tháng, người thợ có thể hành nghề. Trung bình, giá mỗi một chiếc xe khi được dán chống xước là từ 250.000 đồng đến 500.000 đồng, tùy loại xe và chất lượng đồ dán, tem dán. Hiện nay, việc dán nilon chống xước không chỉ cho xe máy mà cho tất cả các vật dụng từ máy tính, điện thoại, xe đạp điện. Trong đó, dán nylon bảo vệ chống xước cho xe máy vẫn là phổ biến.

Bộ đồ nghề của người thợ dán nilon khá đơn giản, chỉ gồm tấm nilon, bật lửa, máy sấy, vài tấm khăn lau mềm (dùng lau ô tô) và dao rọc giấy. Quá trình dán một chiếc xe kéo dài khoảng 1-2 giờ tùy vào độ phức tạp và góc cạnh của xe. Công việc tưởng chừng đơn giản, nhưng đòi hỏi không ít công sức, sự tỉ mỉ, độ khéo léo của người thợ. Để dán một xe thường phải có 2 hoặc 3 người, trong đó có người chuyên tháo bộ phận xe, người chuyên lau xe bôi dầu, người chuyên dán. Độ lành nghề của người thợ thể hiện ở việc dán những chỗ đường cong, lượn, khe hẹp, làm sao dán keo phải phẳng đều, không nổi bong bóng khí. Vì dùng cả hai tay cho việc dán keo nên những người thợ phải dùng miệng kẹp cán máy sấy nóng, vì vậy có lẽ về lâu dài sức nhai của răng cũng bị ảnh hưởng. Nếu dán nhiều xe các khớp ngón tay người thợ thường bị đau, phải bóp dầu.

Anh Nguyễn Tấn Sơn thực hiện các công đoạn dán keo xe.
Anh Nguyễn Tấn Sơn thực hiện các công đoạn dán keo xe.

Anh Nguyễn Tấn Sơn (23 tuổi) ở thôn Dang Kang 1 (huyện Krông Bông) đã có thâm niên 3 năm làm nhân viên dán keo xe ở một cửa hàng tại thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc). Anh Sơn chia sẻ: “Thoạt đầu, nhìn người khác làm thì thấy đơn giản, nhưng thực tế công việc này đòi hỏi phải nhanh tay, nhanh mắt. Một người thợ dán chuyên nghiệp thể hiện ở chỗ khi dán ở những khe hẹp, đường cong, lượn thì miếng dán nilon không bị nhăn, xù xì. Nếu không mỗi khi trời mưa nước ngấm vào thì những chỗ dán lỗi hiện lên rất rõ”. Hiện nay trung bình mỗi ngày anh Sơn dán khoảng 10 chiếc xe; thu nhập bình quân mỗi tháng là 6 triệu đồng. Ngoài dán decal, anh còn được học thêm những kỹ năng khác như: tháo ráp dàn áo, làm điện, gắn đèn, gắn phụ kiện xe, kỹ năng tư vấn khách hàng.   

Cùng chỗ làm với anh Sơn còn có Trần Văn Huynh (18 tuổi) mới học nghề được một năm. Nhìn em thoăn thoắt bật lửa, miết keo, không ai ngờ mới mấy tháng trước em vẫn còn bỡ ngỡ với công việc. Huynh cố gắng học nghề với mơ ước sau khi lành nghề sẽ về nhà mở tiệm làm riêng. Anh Nguyễn Văn Đồng chủ hiệu sửa xe máy cho biết: “Nghề chọn người, nếu mình làm ăn uy tín, giá cả hợp lý thì khách sẽ tìm đến”. Anh cho hay: “Khách đến dán xe đa phần là những bạn trẻ đi các dòng xe tay ga như Liberty, LX 125, SH, Piaggio, Spacy… Dòng xe số cũng có, nhưng ít”.

Dịch vụ dán xe những năm qua nở rộ nên đã có sự cạnh tranh giữa các tiệm. Bên cạnh đó, đoán được tâm lý khách hàng vừa mua xe bao giờ cũng muốn giữ xe thật bền, thật mới nên các đại lý, cửa hàng bán xe cũng không bỏ lỡ cơ hội. Các cửa hàng bán xe máy hiện nay thường kiêm luôn cả dịch vụ dán nilon với đội ngũ nhân viên khá lành nghề khiến cạnh tranh trong nghề dán keo xe càng gay gắt.

Đoàn Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.