Điểm tựa trong xây dựng nếp sống văn hóa ở cơ sở
Tuy sức khỏe phần nào ảnh hưởng bởi tuổi tác, nhưng đa số người cao tuổi (NCT) vẫn lạc quan và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Giàu vốn sống và có sự trải nghiệm về cuộc đời, NCT trở thành trụ cột tinh thần vững chãi của gia đình, là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống để giáo dục con cháu các giá trị văn hóa truyền thống từ những điều đơn giản nhất. Nhiều người am hiểu lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, quá trình phát triển của địa phương nên đã góp phần cùng chính quyền và người dân bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, tình đoàn kết xóm giềng, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Bà H’Bai Knul cùng chồng đọc báo để cập nhật kiến thức. |
Ông Võ Văn Vinh (SN 1951) là Trưởng buôn Ea Druich, xã Cư Pơng (huyện Krông Búk) suốt 16 năm qua, đến nay dù đã bước vào tuổi 70, nhưng được sự tín nhiệm của bà con, ông vẫn cố gắng đảm đương nhiệm vụ. Với ông, đó không chỉ là trách nhiệm mà chính là niềm vui tuổi già, được tham gia và chứng kiến sự phát triển của buôn làng. Buôn Ea Druich có 109 hộ, với nhiều dân tộc cùng sinh sống. Bằng uy tín và trách nhiệm của một trưởng buôn, ông Vinh cùng với Ban tự quản buôn xây dựng hương ước, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng nếp sống, gia đình văn hóa bằng những việc làm cụ thể. Chẳng hạn như chấm dứt tình trạng tổ chức hiếu, hỉ linh đình, ăn uống kéo dài, thủ tục rườm rà; không tụ tập nhậu nhẹt bê tha, không đốt pháo mỗi dịp Tết đến...
Ông Võ Văn Vinh (bên trái) giới thiệu các danh hiệu được tặng của buôn Ea Druich. |
Trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, ông Vinh dành nhiều thời gian để vận động nhân dân tham gia xây dựng công trình dân sinh, giám sát việc thực hiện. Gia đình ông gương mẫu đi đầu, tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công để xây dựng đường giao thông, xây nhà cộng đồng, nâng cấp cống thoát nước. Nhờ sự đoàn kết, nỗ lực của bà con buôn làng, trong đó có vai trò của NCT, năm 2006 buôn Ea Druich đã được công nhận buôn văn hóa.
Bằng uy tín, kinh nghiệm, nhiều NCT sẵn sàng đảm nhận những công việc xã hội phù hợp với điều kiện sức khỏe, khả năng, kinh nghiệm tại nơi cư trú. Đó chính là nguồn nhân lực, là điểm tựa để các địa phương phát triển, nhất là trong xây dựng nếp sống văn hóa. |
Cũng bước vào tuổi thất thập, bà H’Bai Knul (buôn A lê A, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn luôn gắn bó với buôn làng cả trong từng công việc nhỏ nhất, dù đôi chân bị đau, đi lại khó khăn.
Chia sẻ về quá trình gắn bó với công tác xã hội, bà H'Bai cho hay: “Tôi là một cựu giáo chức, về hưu cũng đã nhiều năm, được bà con tin tưởng bầu làm người uy tín của buôn. Tôi thường xuyên gặp gỡ bà con trong buôn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng rồi mới tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chính sách, phong trào...”.
Khi sức khỏe suy giảm, đi lại khó khăn, bà H’Bai dành thời gian làm cố vấn cho Ban tự quản buôn, đóng góp ý kiến về xây dựng buôn làng sạch đẹp, văn hóa; tạo nếp sống tốt đẹp từ chính trong gia đình, làm tấm gương cho bà con noi theo. Cả 4 người con của vợ chồng bà đều chăm lo học hành và hiện đều thành đạt. Không chỉ vậy, bà H’Bai còn giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc như nấu rượu cần, đánh chiêng, tổ chức kết nghĩa anh em để giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống, giữ gìn và tiến tới vận động bà con khôi phục lại bến nước cũ… Những việc làm thiết thực đó đã tạo sự gắn kết trong buôn làng, cùng nhau đoàn kết, xây dựng cuộc sống tốt đẹp, văn minh.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc