Multimedia Đọc Báo in

Mưa lũ miền Trung - Lại nhớ về cơn "đại hồng thủy" năm 1999

09:23, 27/10/2020

Quê hương tôi - miền Trung khúc ruột năm nào cũng hứng chịu những cơn bão, lũ hoành hành. Năm nay người dân lại gánh chịu những đau thương, mất mát to lớn khi bao nhiêu sinh mạng, của cải đã trôi theo dòng nước lũ.

Sinh ra và lớn lên bên dòng phá Tam Giang, tôi đã quá quen với việc chứng kiến những cơn bão, lũ hằng năm mà nhiều người vẫn thường đùa nhau câu hát “trời hành cơn lụt mỗi năm” khi nói đến miền Trung. Có không ít lần lũ lớn ùa vào lúc nửa đêm, nước dâng nhanh đến nỗi người người, nhà nhà không kịp trở tay.

Mùa lũ năm nay, cảnh đó lại tái diễn trong tâm trí tôi khi hằng ngày theo dõi tin tức, hình ảnh người dân các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam đang chống chọi với lũ dữ. Nước lũ dâng cao, hàng nghìn căn nhà chìm trong biển nước; cây trồng vật nuôi trôi dạt; đau đớn hơn nữa là hình ảnh những người dân ngồi cheo leo trên mái nhà, những cánh tay giơ lên cầu cứu hay những cái chết thương tâm của người dân không may bị nước lũ cuốn trôi và hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ bị núi sạt lở vùi lấp… Ở nơi xa, nghe tin lũ dữ, những người con xa quê như chúng tôi càng mòn mỏi trông ngóng từng tin tức về quê nhà với nhiều thấp thỏm lo âu. Khi liên lạc được, nghe mẹ kể cả nhà đang ăn vội bát cơm để kịp đi tránh lũ bởi nước đã bắt đầu tràn vào nhà, tôi lại nhớ đến cơn lũ lịch sử năm 1999.

 

Nước ngập cao khiến nhiều người dân phải lên mái nhà chờ cứu hộ. (Nguồn: baothuathienhue.vn)
Nước ngập cao khiến nhiều người dân phải lên mái nhà chờ cứu hộ. (Nguồn: baothuathienhue.vn)

 

Hồi đó, tôi chỉ mới học lớp 7, nước lũ bắt đầu dâng cao khi trời chạng vạng và mẹ chỉ kịp thổi nồi xôi nếp để chị em chúng tôi ăn trước khi di tản. Màn đêm dần buông, tôi dắt theo hai đứa em nhỏ và mang theo mấy bộ quần áo thập thõm lội qua dòng nước ngang bụng để đến xin ở nhờ nhà một hộ dân trong thôn khu vực cao hơn chưa bị nước lũ tràn vào; riêng bố mẹ và anh trai vẫn ở lại giữ nhà, kê dọn vật dụng lên cao.

Ngoài chị em tôi còn rất nhiều người trong xóm cũng đến đây tá túc, đông quá không đủ chỗ để nằm nên mọi người đều phải ngồi tựa lưng vào nhau gà gật trong căng thẳng, âu lo. Nước vẫn dâng, đến tầm nửa đêm bắt đầu ngấp nghé mép hiên căn nhà này, chúng tôi lại theo chân những người lớn lục tục di tản lên một căn nhà khác phía cao hơn.

Cứ thế, đến gần 5 giờ sáng hôm sau, khi tất cả các căn nhà đều ngập chìm trong biển nước, cả đoàn người lại tiếp tục kéo nhau lên tạm lánh trên những ngôi mộ ở phía cồn cát sau làng. Cả đêm hôm đó, những người lớn trong làng, xóm gặp tôi liền hỏi ba mẹ tôi đâu. Nghe tôi trả lời ba mẹ vẫn còn đang ở trong nhà thì họ lại ái ngại với câu nói nước dâng cao thế này không biết chừng đã… khiến tôi càng lo lắng, đứng ngồi không yên.

Cả đêm hôm đó, tôi dường như không chợp mắt và chỉ biết ngồi khóc. Đến khi trời sáng hẳn, một người quen của gia đình nghe tin bố mẹ và anh tôi còn bị kẹt lại trong nhà nên đã chèo thuyền đến ứng cứu. Lúc đó, bố mẹ và anh trai tôi đang đứng cheo leo trên cái bàn nhỏ được kê lên chiếc giường và mấy cái ghế bởi nước lũ đã tràn vào trong nhà và ngập quá đầu người.

Cơn lũ lịch sử năm đó đã khiến khung cảnh làng quê vốn yên bình trở nên tiêu điều, xơ xác. Cửa nhà tan hoang; đất và bùn tạo một lớp dày đặc trong mỗi ngóc ngách của ngôi nhà; những bao thóc được bố mẹ cẩn thận phơi khô sau mùa gặt bị nước ngập đã nảy mầm; bao nhiêu vật dụng trong gia đình và cả đàn lợn, gà, vịt, hoa màu chưa kịp bán cũng trôi theo dòng nước…

Bây giờ, sau hơn 20 năm, người dân quê tôi nói riêng và cả miền Trung nói chung lại đang oằn mình gánh chịu đau thương, tan tác do bão chồng bão, lũ chồng lũ; thậm chí lần này còn khắc nghiệt, mất mát lớn hơn cơn lũ lịch sử năm xưa. Thế nhưng, với sự quan tâm, sẻ chia của đồng bào trong cả nước, tôi tin rằng người miền Trung bao đời nay vốn chịu thương chịu khó sẽ kiên cường vượt qua khó khăn, đau thương để vươn lên dựng xây cuộc sống.

Tam Giang
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.