Multimedia Đọc Báo in

Những kết quả tích cực trong công tác nữ công

08:31, 20/10/2020

Toàn tỉnh hiện có trên 45.000 nữ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ), chiếm gần 57% tổng số CNVCLĐ, gần 20% hội viên phụ nữ toàn tỉnh.

Nhận thức đúng về vai trò, vị trí của lực lượng nữ CNVCLĐ, thời gian qua Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp công đoàn chú trọng đẩy mạnh công tác vận động nữ CNVCLĐ (gọi tắt là công tác nữ công) nhằm khơi dậy tiềm năng sáng tạo của nữ CNVCLĐ đóng góp vào công tác vận động phụ nữ trên địa bàn tỉnh.

Trong 10 năm qua, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức tuyên truyền và lồng ghép tuyên truyền trên 4.565 cuộc với trên 393.030 lượt chị tham gia, đạt tỷ lệ trên 92%; qua đó nâng cao nhận thức cho phụ nữ về nhiều lĩnh vực; giúp phụ nữ tự tin hơn khi tham gia quản lý, tích lũy, vận dụng được nhiều kỹ năng để chăm lo, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Lãnh đạo  LĐLĐ tỉnh  thăm và tặng quà  nữ đoàn viên công đoàn  ngành y tế  có hoàn cảnh  khó khăn.  Ảnh: Bích Thủy
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh thăm và tặng quà nữ đoàn viên công đoàn ngành y tế có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Bích Thủy

Công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ được các cấp công đoàn chú trọng. Ban Nữ công quần chúng công đoàn các cấp đã nắm bắt tâm tư nguyện vọng của lao động nữ trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để phối hợp với lãnh đạo chính quyền, chuyên môn bố trí công việc cho lao động nữ hợp lý, phù hợp với trình độ chuyên môn, tay nghề, sức khỏe và hoàn cảnh gia đình; đảm bảo các chế độ tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các khoản trợ cấp… Bên cạnh đó, các công đoàn cấp trên cơ sở, nhất là những đơn vị có doanh nghiệp đã chỉ đạo công đoàn cơ sở chủ động tư vấn, hướng dẫn cho người lao động, trong đó có lao động nữ hiểu và ký kết hợp đồng lao động bảo đảm theo quy định của pháp luật, nhất là các chế độ được thỏa thuận trong hợp đồng lao động như tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Khi có những phản ánh, kiến nghị của lao động nữ về việc chưa đảm bảo các chế độ đã ký kết trong hợp đồng lao động, công đoàn cơ sở đã chủ động phối hợp, làm việc với chủ doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho chị em. 10 năm qua, các cấp công đoàn đã phối hợp, kiểm tra, giám sát 4.083 cuộc về thực hiện chế độ chính sách cho lao động nữ. Qua đó, can thiệp bảo vệ quyền lợi về chế độ bảo hiểm xã hội cho 30 chị; giải quyết cho 10 chị về chế độ phụ cấp cho cán bộ công chức viên chức công tác ở vùng đặc biệt khó khăn theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ; đề nghị 30 doanh nghiệp thực hiện chính sách riêng có lợi cho người lao động, trong đó có lao động nữ; 145 doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ, trong đó có nhiều lao động nữ.

Trong 10 năm qua, các cấp công đoàn đã vận động đoàn viên đóng góp Quỹ Mái ấm công đoàn để hỗ trợ xây mới và sửa chữa trên 1.800 căn nhà với số tiền trên 55,5 tỷ đồng cho nữ đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Hằng năm, có 48 lượt nữ CNVCLĐ được vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm theo kênh công đoàn với số tiền là 1,07 tỷ đồng, tạo việc làm cho 714 lượt lao động. Nhiều công đoàn cơ sở đã tín chấp, bảo lãnh cho nữ đoàn viên vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Ban Nữ công quần chúng công đoàn các cấp đã tham mưu cho Ban Chấp hành công đoàn vận động CNVCLĐ xây dựng và phát triển vốn vay “Vì nữ CNVCLĐ” với tổng số tiền trên 4,9 tỷ đồng, qua đó giải quyết cho 1.633 lượt chị vay với số tiền trên 4,7 tỷ đồng.

Các cấp công đoàn đã phối hợp với ngành chuyên môn tạo điều kiện cho đội ngũ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý được học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Toàn tỉnh đã có hàng vạn lượt chị được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, chính trị, tin học, ngoại ngữ. Hiện 100% cán bộ nữ chủ chốt có trình độ đại học, 90% nữ cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở có trình độ trung cấp chính trị. Công tác phát triển đảng viên nữ được quan tâm, mỗi năm có từ 1.600 - 2.100 chị được giới thiệu kết nạp Đảng; tỷ lệ nữ tham gia vào các cấp ủy, lãnh đạo chính quyền, đoàn thể ngày càng tăng.

Các hoạt động xây dựng gia đình CNVCLĐ no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; phòng chống bạo lực gia đình; chăm sóc giáo dục con công nhân lao động là những nội dung hoạt động thường xuyên được các cấp công đoàn duy trì. Các cấp công đoàn đã phát động, tổ chức phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" do Hội LHPN Việt Nam phát động đã góp phần khơi dậy vai trò đảm đang của nữ CNVCLĐ trong xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Võ Thị Hạnh

 Phó Chủ tịch Thường trực LÐLÐ tỉnh


Ý kiến bạn đọc