Multimedia Đọc Báo in

Những phụ nữ năng động trong lao động, sản xuất

11:56, 18/10/2020

Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, thời gian qua, nhiều phụ nữ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã tích cực, năng động trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Làm giàu từ mô hình cây ăn trái

Chị Trần Thị Hường (thôn 3, xã Hòa Thuận) được biết đến là gương phụ nữ điển hình trong phát triển kinh tế tại địa phương với mô hình trồng cây ăn trái đem lại nguồn thu nhập trên một tỷ đồng mỗi năm.

Trước đây, cuộc sống gia đình chị phụ thuộc vào 1,5 ha đất trồng cà phê đã già cỗi, trong khi giá cả nông sản bấp bênh nên thu nhập không ổn định. Điều đó khiến chị luôn trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2000, sau khi tìm hiểu nhu cầu thị trường về một số loại cây ăn trái có giá trị cao, chị Hường đã quyết định đầu tư vốn trồng xen 250 cây sầu riêng Dona trong vườn cà phê.

Chị Hường thu hoạch trái cây.
Chị Hường thu hoạch trái cây.

Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, khi sầu riêng còn nhỏ, chị Hường đã trồng thêm một số loại cây trồng tầng thấp như chè xanh, bòn bon, cam, bưởi… để có thêm thu nhập. Sau 8 năm trồng và chăm sóc, vườn sầu riêng bắt đầu cho thu hoạch, đạt sản lượng 10 tấn. Nhận thấy hiệu quả của việc trồng xen, năm 2010, chị Hường tiếp tục trồng thêm măng cụt vào vườn cây. Chị Hường chia sẻ: “Với mỗi loại cây cần có kỹ thuật trồng và chăm sóc khác nhau nên tôi vừa làm vừa tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm. Nhờ vậy cây ăn trái trong vườn phát triển xanh tốt, tăng năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế cao”.

Khi kinh tế gia đình ổn định, chị Hường đã phá bỏ toàn bộ cà phê già cỗi, đồng thời mua thêm đất để mở rộng diện tích trồng cây ăn trái. Hiện gia đình chị đang sở hữu hơn 2 ha đất trồng cây ăn trái, tổng sản lượng đạt trên 70 tấn, được thương lái đến thu mua tận vườn. Mô hình đa cây này đã đem lại cho gia đình chị nguồn thu gần 1,5 tỷ đồng/năm và tạo việc làm ổn định cho 4 lao động tại địa phương.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và vận động chị em, phụ nữ trong xã và các xã lân cận mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập. Chị cũng đứng ra vận động chị em trong thôn xây dựng quỹ giúp nhau phát triển sản xuất, cho một số gia đình phụ nữ nghèo vay vốn không lấy lãi để mua cây, con giống.

Thoát nghèo nhờ chăm chỉ lao động

Chị Phạm Thị Thương Phượng (tổ dân phố 15, phường Khánh Xuân) cũng là tấm gương phụ nữ tiêu biểu đã từng bước vượt qua khó khăn trong cuộc sống, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Gia đình chị Phượng từng thuộc diện hộ nghèo, lại đông con. Cả gia đình 8 miệng ăn chỉ trông vào mấy sào ruộng. Không cam chịu đói nghèo, với bản tính cần cù, chịu khó, chị quyết tâm tìm cách đưa kinh tế gia đình đi lên, tạo điều kiện cho con ăn học. Năm 2010, gia đình chị được vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Buôn Ma Thuột để đầu tư sản xuất. Chị đã quyết định mua bò giống, đồng thời nhận nuôi rẽ cho một số hộ dân khác. Ngoài việc tận dụng các phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, thân chuối, lá ngô cho bò ăn, chị Phượng còn trồng thêm cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi.

Chị Phượng chăm sóc vườn rau xanh.
Chị Phượng chăm sóc vườn rau xanh.

Nhờ chăm chỉ làm ăn, sau 5 năm chăn nuôi chị đã sở hữu đàn bò 10 con giúp chị trả hết nợ và có thêm vốn để đầu tư sản xuất. Cùng với việc chăn nuôi bò, chị Phượng đã thầu ao nuôi cá và mua thêm đất để trồng rau xanh. Tích lũy vốn sau nhiều năm làm ăn, năm 2016, chị Phượng đã mua được 1 ha đất cà phê. Nhờ chịu khó chăm sóc nên mỗi năm vườn cà phê cho thu hoạch khoảng 3 tấn giúp kinh tế gia đình ngày một khá lên.

Từ chỗ ít đất canh tác, không có vật nuôi để sản xuất, giờ đây cuộc sống của gia đình chị Phượng đã ổn định, có điều kiện để xây nhà mới, mua sắm máy móc sản xuất, vật dụng sinh hoạt có giá trị và lo cho con cái ăn học đầy đủ. Năm 2018, gia đình chị Phượng đã chính thức thoát nghèo và vươn lên trở thành một trong những hộ có kinh tế ổn định với tổng thu nhập hằng năm trên 100 triệu đồng.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.