Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phòng sinh con non tháng, nhẹ cân

11:53, 18/10/2020

Trẻ sinh non tháng, nhẹ cân là trẻ chào đời chưa đủ tháng, thai kỳ chấm dứt từ 22 tuần đến trước 37 tuần và cân nặng dưới 2.500 g.

Việc trẻ bị sinh non tháng, nhẹ cân không chỉ có nguy cơ đe dọa tính mạng trẻ ngay từ lúc mới lọt lòng mà còn để lại những di chứng về sau, như: chậm phát triển về trí tuệ, vận động; chậm hiểu biết, ảnh hưởng não… Vì vậy, chủ động phòng sinh con non tháng, nhẹ cân là việc làm vô cùng quan trọng để trẻ được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm trên thế giới có khoảng 4 triệu trẻ sơ sinh bị tử vong, trong đó khoảng 60 - 80% trẻ sơ sinh tử vong có liên quan đến sinh non. Tại Đắk Lắk, mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ, song tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, hằng năm số trẻ sinh non tháng, nhẹ cân nhập viện điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh chiếm 15 - 20% tổng số ca sơ sinh hồi sức tại khoa.

Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh cho biết, đối với trường hợp trẻ sinh non tháng, khoa thường tiếp nhận nhiều nhất là trẻ sinh ở khoảng từ 28 tuần đến dưới 34 tuần. Với trẻ nhẹ cân, khoa thường tiếp nhận những trẻ dưới 2.000 g, thậm chí có trường hợp nặng chỉ khoảng 500 - 700g. Hiện khoa đang hồi sức sơ sinh cho 20 trường hợp, trong đó trẻ dưới 2.500 g là 13 trường hợp, dưới 2.000 g là 7 trường hợp.

Trong số ca hồi sức sơ sinh đang điều trị tại khoa có trường hợp con của chị Trần Thị Hương (ở tỉnh Đắk Nông) sinh ở tuần thứ 33, nặng 1,6 kg, nhập viện với chẩn đoán bị suy hô hấp độ 3, sinh non tháng với tình trạng khó thở, thở rên, tím toàn thân. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ tiến hành nuôi dưỡng tĩnh mạch, hỗ trợ thở CPAP và sữa qua sonde dạ dày và dùng kháng sinh phối hợp. Đến nay, sau nhiều ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân tiến triển tốt, được tập cai máy nhưng vẫn tiếp tục phải thở ôxy.

Trong quá trình mang thai, các bà mẹ nên tránh làm việc nặng, phải khám thai định kỳ, phải xét nghiệm phát hiện sớm các bệnh lý của người mẹ và những bệnh lý bất thường của thai nhi có thể đe dọa sinh non để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Theo các bác sĩ, trẻ sinh non tháng, nhẹ cân có rất nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng ngay từ lúc mới lọt lòng và quá trình điều trị cũng sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những đứa trẻ bình thường do mọi cơ quan của trẻ chưa hoàn thiện, dễ có nguy cơ mắc một số bệnh, như: bệnh tim, suy hô hấp sau sinh, hạ đường huyết, rối loạn thân nhiệt, thiếu máu, bệnh lý võng mạc… Việc điều trị, chăm sóc, phục hồi cho trẻ sinh non là vô cùng khó khăn và tốn kém; thậm chí, về sau này vẫn để lại những di chứng nặng nề cho trẻ, như: chậm phát triển về trí tuệ và vận động, ảnh hưởng não…, nhất là nguy cơ mắc bệnh lý võng mạc rất cao.

Trẻ sinh non tháng, nhẹ cân đang được chăm sóc, điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh (Bệnh viện  Đa khoa vùng Tây Nguyên). Ảnh: Quang Nhật
Trẻ sinh non tháng, nhẹ cân đang được chăm sóc, điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên). Ảnh: Quang Nhật

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng sinh non tháng, nhẹ cân ở trẻ, như: điều kiện sống của phụ nữ đang mang thai kém, lao động nặng trong quá trình mang thai hoặc thai phụ dưới 16 tuổi hoặc trên 35 tuổi mới mang thai lần đầu, phụ nữ mang thai hút thuốc lá cũng có nguy cơ sinh con non tháng hoặc thai phụ có cân nặng, chiều cao quá thấp, thai phụ không khám thai định kỳ, chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, không tiêm phòng... Ngoài các yếu tố trên thì những người có tiền sử nạo phá thai hoặc sẩy thai tự nhiên nhiều lần, có tiền căn sinh non thì nguy cơ sinh non tái phát từ 25 - 50%. Mặt khác, thai phụ có khối u, dị dạng ở tử cung, có bệnh mạn tính, như: tim mạch, cao huyết áp, nhiễm trùng… cũng gây nên hiện tượng sinh non. 

Để phòng trẻ sinh non tháng, nhẹ cân, các bác sĩ lưu ý các bà mẹ có thể tự phát hiện dấu hiệu nguy cơ dọa sinh non khi chưa đến ngày dự sinh, như: đau bụng, ra máu, ra dịch âm đạo, đau lưng, rỉ ối, vỡ ối… và nên chủ động đến cơ sở y tế sớm nhất để được thăm khám, can thiệp sớm và được hướng dẫn chăm sóc tại nhà. Các bà mẹ cần kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai; khi có thai, cần khám thai định kỳ trong thời gian mang thai và sau sinh. Có chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, hợp lý; không nên thức khuya, làm việc quá sức; tiêm phòng và bổ sung vi chất đầy đủ trong suốt thời kỳ mang thai.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc