Phát huy vai trò, vị thế của phụ nữ
Năm 2014, nhận thấy được tiềm năng khi đầu tư phát triển, đưa tinh bột nghệ ra thị trường, chị Trần Thị Kim Luyến (hội viên phụ nữ xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) đã quyết định sản xuất và từng bước tìm hướng đi cho sản phẩm này.
Sau khi thấy kết quả khả quan, với sự hướng dẫn nhiệt tình của Hội LHPN xã, đầu năm 2019, chị Luyến đã đăng ký thương hiệu tinh bột nghệ Trần Thị Kim Luyến, mở cơ sở sản xuất tinh bột nghệ để cung ứng ra thị trường. Hiện nay, mỗi năm cơ sở của chị sử dụng khoảng 80 tấn nghệ tươi và cho ra khoảng gần 2 tấn tinh bột nghệ vàng, nghệ trắng. Không chỉ thu về lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm, cơ sở còn tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức lương ổn định từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Là hội viên Chi hội phụ nữ thôn 5, xã Bình Hòa (huyện Krông Ana), chị Trần Thị Mỹ Linh đã có nhiều việc làm giúp đỡ phụ nữ trong thôn vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Bình quân mỗi tháng, chị Linh dành 300 kg gạo để hỗ trợ chị em nghèo, gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn tại địa phương. Với những người không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh, chị đã động viên, hướng dẫn cách làm ăn, tư vấn kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh; đồng thời cho vay vốn không tính lãi để chị em có điều kiện phát triển kinh tế. Tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, chị đã hỗ trợ các gia đình trên địa bàn bằng nhiều hình thức với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng.
Hội LHPN huyện Krông Năng giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của hội viên. |
Có hơn 10 năm gắn bó với công tác hội, chị H’Diu Byă (buôn Ya Wầm, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) đã vận động chị em hội viên cùng thi đua sản xuất, vươn lên thoát nghèo bằng cách tham gia xây dựng tổ, nhóm tiết kiệm, tổ vay vốn giúp nhau. Với đặc thù địa phương có 100% người dân tộc thiểu số, để vận động chị em tham gia tổ chức hội, chị đã cùng Ban Chấp hành Chi hội phụ nữ buôn tuyên truyền các phong trào, cuộc vận động qua những câu chuyện bằng tiếng Êđê, giúp mọi người ý thức và tự giác thực hiện. Đến nay, toàn buôn có 90% chị em tham gia sinh hoạt hội; chú trọng thực hiện các tiêu chí “3 sạch”; nhận chăm sóc 2 đoạn đường “phụ nữ tự quản” dài 1,5 km.
Thời gian qua, các cấp hội trên địa bàn tỉnh đã tập trung hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện thông qua nhiều chương trình, hoạt động. Toàn tỉnh đã xây dựng được hàng trăm mô hình, nhóm và các tổ tư vấn về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao nhận thức về giới, thay đổi hành vi trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ và kế hoạch hóa gia đình…
Hội LHPN tỉnh chỉ đạo cấp hội cơ sở xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền gắn với nội dung từng giai đoạn cụ thể. Nhiều phong trào, cuộc vận động được các cấp hội phát động đã đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ và nhân dân, điển hình như phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Rèn luyện phẩm chất đạo đức tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Hiện nay, 100% các chi, tổ hội trên địa bàn đều có mô hình thực hiện các tiêu chí về “5 không” và “3 sạch”, vận động chị em tích cực tham gia bảo vệ môi trường.
Đại diện Hội LHPN phường Thắng Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) tặng bò sinh sản cho phụ nữ khó khăn xã Ia R'vê (huyện Ea Súp). |
Thực hiện các mục tiêu về hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, các cấp hội đã phối hợp tổ chức nhiều lớp dạy nghề, tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trao đổi kinh nghiệm làm ăn. Đồng thời quản lý tốt các nguồn vốn được ủy thác, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, xây dựng và duy trì các mô hình kinh tế tập thể. Tính riêng năm 2019, toàn tỉnh có 812 tập thể, cá nhân phụ nữ tham gia khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với tổng số vốn hơn 10,5 tỷ đồng; thành lập 6 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ; duy trì hoạt động 10 hợp tác xã với 97 thành viên, doanh thu từ 200 triệu đồng – 1 tỷ đồng mỗi năm.
Có thể thấy, những kết quả đạt được qua các phong trào thi đua của phụ nữ đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc