Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ và chăm sóc trẻ em: Vẫn còn những khoảng trống! (kỳ 1)

07:03, 16/11/2020

Nỗi đau hiện hữu

Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em được cả cộng đồng quan tâm thực hiện với mục tiêu dành mọi điều kiện tốt nhất để trẻ em vui chơi và phát triển trong một môi trườngan toàn, lành mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những mặt hạn chế, đáng lo ngại, nhất là tình trạng vi phạm quyền trẻ em.

Tình trạng trẻ em bị bỏ rơi, bị xâm hại, tai nạn… vẫn xảy ra không chỉ khiến dư luận bức xúc, mà hơn thế nữa, đó là những mất mát vô hình, là nỗi đau ám ảnh dai dẳng với bản thân và gia đình mỗi nạn nhân.

Tuổi thơ bị "cướp trắng"

Những biến cố đến từ nhiều phía, dưới nhiều dạng thức khó ngờ đã khiến nhiều trẻ bị "cướp trắng" tuổi thơ. Dư luận đã từng dậy sóng với vụ cha ruột xâm hại tình dục chính con gái mình xảy ra tại xã Ea Sol, huyện Ea H’leo hồi năm 2017. Do mâu thuẫn gia đình, vợ bỏ đi, ông N.V.V. ở nhà cùng hai con gái, cháu lớn sinh năm 2007, cháu nhỏ sinh năm 2009. Trong đêm tối, ông V. đã giở trò đồi bại với cháu lớn, lúc đó cháu nhỏ nhìn thấy nên hôm sau đã kể lại với người cô ruột. Chết lặng vì đau đớn, phẫn nộ, người này đã tố cáo sự việc đến cơ quan chức năng. Ông V. sau đó đã phải chịu hình phạt là mức án 20 năm tù giam cho tội ác của mình, nhưng chắc rằng, nỗi đau tinh thần của những người liên quan không biết khi nào mới chấm dứt.

Một buổi sinh hoạt hè của các em học sinh trên địa bàn phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột.
Một buổi sinh hoạt hè của các em học sinh trên địa bàn phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột.

Cách đây hơn 2 năm, tại huyện Krông Bông có trường hợp hai anh em bị chính mẹ đẻ của mình bỏ rơi. Bố các em mất sớm, mấy năm sau người mẹ vì không chịu được khổ cực đã viết giấy để lại 2 con (đứa lớn 6 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi) cho ông bà nội rồi bỏ đi mất. Ông bà đã già cả, nghèo khó lại phải  nuôi cháu nhỏ nên rất vất vả. Hai cháu sau đó đã được bác ruột đưa về nuôi dưỡng ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, nhưng đã không còn tuổi thơ hồn nhiên bởi nỗi đau quá lớn khi bị chính mẹ đẻ bỏ rơi.

Mới đầu năm nay, vụ việc hai cháu bé ở xã Cư Bao, TX. Buôn Hồ bị đuối nước khiến nhiều người bàng hoàng. Nhân buổi nghỉ học, hai cháu  N.H.K.U. (10 tuổi) và N.K.V. (6 tuổi) theo cha lên rẫy của gia đình. Trong lúc người cha bận tưới cà phê, hai cháu rủ nhau ra chơi ở đập nước gần đấy, không may bị trượt chân rơi xuống đập. Đến khi người cha không thấy con, hoảng hốt đi tìm thì đã muộn...

Những con số nhói lòng

Hậu quả của gần 270 vụ trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương tích được phát hiện trong 5 năm qua đã khiến 5 trường hợp tử vong, 13 trường hợp có thai, 183 trường hợp bị thương tật và 67 trường hợp bị các tác động khác về thể chất, tinh thần.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, từ năm 2015 đến cuối năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 268 vụ với 268 trẻ em bị xâm hại (211 nữ và 57 nam); trong đó có 183 vụ xâm hại tình dục, 47 vụ bạo lực, 9 vụ giết người, 2 vụ mua bán trẻ em… Riêng 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã xảy ra 34 vụ xâm hại trẻ em với 48 đối tượng và 38 nạn nhân, trong đó có 24 vụ xâm hại tình dục.

Có thể thấy, số vụ xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ lớn, số trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm khoảng 70% tổng số trẻ em bị xâm hại. Vụ việc xảy ra ở hầu hết các địa phương, nhưng xảy ra nhiều và bức xúc nhất hiện nay là ở huyện Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Pắc, Krông Năng và TP. Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Bởi qua phần lớn các vụ việc xâm hại cho thấy, sau lần đầu bị xâm hại, nhiều nạn nhân và gia đình không tố cáo, trình báo sự việc sớm mà chấp nhận, cam chịu tiếp tục là nạn nhân của những hành vi đó, do đây là vấn đề có tính nhạy cảm. Họ không tố giác vì sợ ảnh hưởng đến các em và chính sự sợ hãi, thiếu hiểu biết, sợ bị kỳ thị là những rào cản khiến các em khó chia sẻ, tâm sự với người thân khi mình bị lạm dụng, xâm hại.

Cán bộ phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) thăm hỏi trẻ khuyết tật trên địa bàn phường.
Cán bộ phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) thăm hỏi trẻ khuyết tật trên địa bàn phường.

Tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích nói chung, đuối nước nói riêng cũng xảy ra rất nghiêm trọng. Từ năm 2016 đến tháng 6-2020, toàn tỉnh có 5.326 lượt trẻ em bị tai nạn thương tích với 452 em tử vong, trong đó có 253 em tử vong do đuối nước. Nguyên nhân dẫn đến các vụ việc đuối nước là do môi trường xung quanh luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ: hầu hết ao, hồ, sông, suối đều không có rào chắn, biển cảnh báo; cùng với đó là sự chủ quan, lơ là và thiếu sự giám sát của gia đình. Một nguyên nhân nữa là hiện nay phần lớn trẻ chưa biết bơi, thiếu kỹ năng xử trí dưới nước. Đặc biệt, nhiều trường hợp trẻ không biết bơi hoặc không có kỹ năng cứu đuối nhưng thấy bạn bị sa vào chỗ nước sâu vẫn nhảy xuống cứu, dẫn đến hậu quả đau lòng là không cứu được bạn mà bản thân cũng bị đuối theo.

Cùng với đó, 5 năm qua, toàn tỉnh có 681 lượt trẻ em đi lao động trái pháp luật; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi (cân nặng và chiều cao) vẫn còn khá cao (chiếm 31%); thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cho trẻ em ở các vùng nông thôn chưa đạt yêu cầu...

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.