Multimedia Đọc Báo in

Giải bóng bàn các tay vợt xuất sắc trẻ, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2020:

Đừng để những "hạt sạn" không đáng có

05:47, 15/11/2020

Giải bóng bàn các tay vợt xuất sắc trẻ, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2020 vừa diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột đã kết thúc thành công với những kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn những "hạt sạn" liên quan đến công tác trọng tài cũng như thái độ thi đấu của các vận động viên, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, chất lượng của sân chơi hàng đầu dành cho lứa tuổi này.

Lần đầu tiên khán giả phố núi Ban Mê chứng kiến hình ảnh Ban huấn luyện, phụ huynh bức xúc đến nỗi phải xuống tận sân phản ứng gay gắt với tổ trọng tài trong một tình huống bóng có tính chất quyết định đến trận đấu.

Cụ thể ở trận tứ kết, nội dung đôi nam nữ, lứa tuổi 12 - 13 giữa cặp vận động viên đương kim vô địch TP. Hồ Chí Minh và Lâm Đồng, ở séc thứ 5, khi tỷ số đang là 11-10 nghiêng về phía Lâm Đồng thì tay vợt Nguyễn Văn Nam của TP. Hồ Chí Minh có pha dứt điểm hiểm hóc khiến đối thủ đánh không qua lưới mà rơi vào mép bàn từ bên ngoài. Lúc này trọng tài chính ngồi ở góc xa nên cho Lâm Đồng thắng điểm, song trọng tài biên đã quan sát kỹ tình huống, hội ý và cho cặp TP. Hồ Chí Minh thắng, nhưng vận động viên Lâm Đồng lại bỏ thi đấu buộc Tổ trưởng tổ trọng tài phải vào giải quyết và công nhận điểm số cho Lâm Đồng.

Các vận động viên thi đấu tại giải.
Các vận động viên thi đấu tại giải.

Vấn đề ở đây là vị Tổ trưởng tổ trọng tài này đã không tham khảo ý kiến của trọng tài chính và trọng tài biên mà tự đưa ra quyết định trong một tình huống bóng rõ ràng mười mươi khiến Ban huấn luyện, phụ huynh rất bức xúc, phản ứng quyết liệt trong sự im lặng đến khó hiểu của tổ trọng tài. “Với chúng tôi chuyện thắng thua trong thể thao là hết sức bình thường, nhưng trọng tài phải luôn khách quan, xử lý các tình huống công tâm, đúng luật, tránh gây ức chế cho các cháu. Quan trọng hơn, khi đã biết sai thì sẵn sàng nhận lỗi dù kết quả không thể thay đổi chứ không phải đổ do “lỗi nhận định của trọng tài trực tiếp” như phân minh sau đó”, chị Nguyễn Thị Thảo Sương, phụ huynh của một trong hai vận động viên TP. Hồ Chí Minh bức xúc.

Có mặt trực tiếp theo dõi trận đấu, các đoàn khác cũng khẳng định pha bóng trên TP. Hồ Chí Minh thắng nhưng trọng tài đã xử không công bằng, đồng thời kiến nghị ở một giải đấu quy mô như thế này, để thêm tính chuyên nghiệp, Ban tổ chức cần phải tính đến phương án đặt máy quay ghi lại các tình huống để có cơ sở phân tích khi xảy ra trường hợp tương tự.

Trước đó, ở vòng loại, khán giả TP. Buôn Ma Thuột cũng chưng hửng, ngỡ ngàng khi chứng kiến hai tay vợt nhí cứ tự đánh bóng... ra ngoài. Cụ thể, ở trận đấu nội dung đơn nữ lứa tuổi 10 - 11 tuổi, hai tay vợt đến từ Hưng Yên và Bình Dương đã thi đấu theo kiểu "bất cần kết quả".

Nguyên nhân là theo thể thức, các vận động viên thi đấu vòng tròn tính điểm, chọn vận động viên có thành tích tốt nhất vào vòng trong, trong khi đó bảng đấu này đã xác định được gương mặt đi tiếp, dẫn đến hai tay vợt nhí này có tâm lý rằng “nếu thắng cũng bị loại” nên thi đấu theo kiểu “chiếu lệ” cho xong thủ tục, khiến khán giả dõi theo trên khán đài hết sức bức xúc.

Những vận động viên nữ đang thi đấu hết khả năng.
Những vận động viên nữ đang thi đấu hết khả năng.

Ở góc độ chuyên môn, dù chỉ mới 10 - 11 tuổi, nhưng khi đã tham dự giải đấu mang tính quốc gia, lại được tuyển chọn kỹ lưỡng, đến từ hai địa phương có phong trào bóng bàn khá mạnh thì chắc chắn các tay vợt này đã nắm được những kỹ thuật đánh bóng cơ bản, thuần thục.

Tất nhiên, ở đây khán giả không trách các cháu, bởi dễ dàng nhận ra phía sau hành động phi thể thao mà lứa tuổi các cháu chưa ý thức được chính là sự chỉ đạo của huấn luyện viên. Thật đáng buồn khi những người được phụ huynh tin tưởng giao phó việc rèn dạy con em mình cả về chuyên môn lẫn nhân cách lại sớm “gieo” vào tâm trí non nớt của các cháu sự kèn cựa, cay cú ăn thua, tư tưởng "buông xuôi" thay vì là tinh thần thể thao cao thượng, phấn đấu hết khả năng mình có thể.

Có thể thông cảm cho Ban tổ chức giải ở một giải đấu quy mô, quy tụ đến 250 vận động viên hàng đầu của cả nước tranh tài thì sẽ không thể tránh khỏi những sai sót về công tác tổ chức và cả chuyên môn. Tuy nhiên sẽ thuyết phục hơn nếu khi kết thúc giải, Ban tổ chức thẳng thắn đưa ra những đánh giá toàn diện về giải đấu, chỉ rõ những ưu điểm cũng như hạn chế, sai sót để giải tỏa tâm lý cho vận động viên. Bên cạnh đó cũng cần có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi phi thể thao mà nguyên nhân là do lỗi của người lớn để tình trạng này không có “đất” tồn tại trong môi trường thể thao lành mạnh, nhất là ở lứa tuổi nhi đồng đang trong quá trình hình thành nhân cách.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Đắk Lắk - Mảnh đất níu chân người
Với những kiến tạo địa chất phức tạp, trải qua hàng triệu năm phong hóa, mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho cao nguyên Đắk Lắk một hệ sinh thái đa dạng, phong phú với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, xinh đẹp, vùng đất trù phú, là quê hương, nơi định cư lâu đời của nhiều dân tộc bản địa và hiện tại cũng là miền “đất hứa” với rất nhiều người…