Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ và chăm sóc trẻ em: Vẫn còn những khoảng trống! (kỳ 2)

08:23, 17/11/2020

Bộn bề những nỗi lo

Tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bị tai nạn thương tích đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự an toàn của trẻ. Trong khi đó, việc thực thi các quy định của pháp luật về quyền trẻ em vẫn còn nhiều bất cập.

Ẩn họa rình rập

Từ thực tế có thể thấy, điều đáng lo ngại là những ẩn họa rình rập, đe dọa trẻ từ nhiều phía, không chỉ ở ngoài cộng đồng mà còn ở trong chính trường học, tại gia đình của trẻ - nơi tưởng như an toàn nhất; không chỉ bởi người lạ mà nhiều khi là chính người ruột thịt, người thân thích hoặc quen biết với trẻ - những đối tượng tưởng như có thể tin tưởng nhất.

Đơn cử như vào giữa tháng 10 vừa qua, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột xảy ra vụ việc một học sinh lớp 3 bị giáo viên đánh bầm tím đùi chỉ vì cháu quên mang bảng con, làm bài tập sơ sài. Đáng sợ hơn, trước đó, vào cuối năm 2019, một học sinh bậc THCS bị một thanh niên lạ mặt khống chế dâm ô gần 2 giờ trong nhà vệ sinh của trường…

Trẻ em vùng sâu huyện M'Drắk nhận áo mới do một nhóm thiện nguyện trao tặng.
Trẻ em vùng sâu huyện M'Drắk nhận áo mới do một nhóm thiện nguyện trao tặng.
Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 492.832 trẻ em (chiếm 26% dân số); trong đó, có 5.647 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 104.408 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, 54.216 trẻ em trong hộ nghèo và 43.018 trẻ em trong hộ cận nghèo.

Sự thiếu quan tâm của người có trách nhiệm cũng là một ẩn họa với trẻ em. Có những gia đình chỉ lo làm kinh tế, hoặc bố mẹ ly thân, ly hôn, không quan tâm đến con trẻ, dễ đẩy các em đến chỗ mất phương hướng, dẫn đến bỏ học, lang thang kiếm sống và bị tai nạn thương tích. Bên cạnh đó, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, môi trường mạng đầy rẫy những mối nguy cho trẻ. Nhiều em vì quá đam mê công nghệ mà dẫn tới bỏ học, nghiện game, thay đổi tâm sinh lý, tệ hại hơn là đã có trẻ em bị trầm cảm, bị dụ dỗ, tham gia cờ bạc trực tuyến, bị quấy rối tình dục, bị lôi cuốn vào các trò chơi bạo lực… dẫn đến vi phạm pháp luật hoặc tự tử. Đây là tình trạng đáng báo động bởi khó xác định về số lượng trẻ em bị xâm hại theo dạng thức này.

Còn khoảng cách từ chính sách đến thực tế

Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn coi nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em là nội dung cơ bản của chiến lược con người, được thể hiện bằng những văn bản quy phạm pháp luật, sự ưu tiên đầu tư ngày càng tăng cho công tác này. Các tổ chức chính trị - xã hội, nhà trường, gia đình và toàn xã hội nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng cũng đã dành nhiều sự quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em.

Tuy nhiên, trên thực tế việc thực thi các quy định của pháp luật về quyền trẻ em, cụ thể là Luật Trẻ em và các văn bản dưới luật vẫn còn nhiều bất cập. Theo ông Phạm Phượng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác này, chưa thực sự chú trọng xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ; từ gia đình đến nhà trường, đến cộng đồng, nhiều người chưa có đủ nhận thức và kỹ năng về vấn đề bảo vệ trẻ em; nhiều trẻ em chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại, nhất là xâm hại tình dục; khung hình phạt theo luật chưa đủ mức răn đe tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em.

Trẻ em vùng nông thôn ở huyện Cư M'gar.
Trẻ em vùng nông thôn ở huyện Cư M'gar.

Điều đáng quan tâm nữa là hiện nay nguồn lực con người và tài chính cho công tác bảo vệ trẻ em tại các địa phương rất hạn chế. Cụ thể, hầu hết cán bộ làm công tác trẻ em ở các xã, phường đều là kiêm nhiệm, một lúc đảm nhận rất nhiều việc, từ trẻ em, bình đẳng giới, bảo trợ xã hội, chính sách, lao động, việc làm, dạy nghề, tệ nạn xã hội, công tác thanh niên, dân tộc, tôn giáo... nên khó có thể chu toàn hết. Đơn cử như ở TX. Buôn Hồ, hầu hết các cán bộ làm công tác trẻ em ở các xã, phường đều kiêm nhiệm, trong số 12 đơn vị xã, phường hiện chỉ có 8 cán bộ đang làm việc, còn lại đang trong thời điểm nghỉ sinh, nên khi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thị xã cần thống kê các số liệu liên quan để phục vụ đoàn giám sát của tỉnh đã không thể thực hiện được. Được biết, ngoài nguồn ngân sách mỗi năm tỉnh phân bổ về và ngân sách của thị xã khoảng 200 triệu đồng để triển khai các hoạt động và hỗ trợ cán bộ thì hầu hết các xã, phường đều không có kinh phí dành cho việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Đây cũng là tình trạng chung ở các địa phương hiện nay.

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.