Multimedia Đọc Báo in

Chuyện U60 đi hiến máu

13:50, 24/11/2020

Không hiểu sao mỗi khi nhắc đến chuyện hiến máu, tôi cứ nghĩ việc đó là của giới trẻ, của đoàn viên thanh niên. Có lẽ, do thấy trên tivi cứ chiếu hình ảnh các sinh viên, chiến sĩ bộ đội, công an… hiến máu nên sinh ra ý nghĩ “mặc định”: hiến máu “không thuộc người lớn tuổi”!

Lần đó, khi nghe cánh trẻ í ới gọi nhau chuẩn bị tổ chức đi hiến máu, tôi chợt nảy ra ý nghĩ: “Hay là mình đi hiến máu nhỉ?”. Rồi nói ra suy nghĩ này với mấy bạn trẻ, các bạn “OK” liền, nhưng có nhắc thêm: “Chú nhớ nói rõ tên cơ quan mình để lấy thành tích cho Chi đoàn”. Chuyện nhỏ!

Đêm trước buổi sáng đi hiến máu, tôi cứ trằn trọc không ngủ được, mặc dù được khuyến cáo phải ngủ sớm, không uống rượu bia… Vậy nên đến địa điểm hiến máu có hơi muộn, các bạn trẻ cơ quan đã làm xong thủ tục về gần hết, chỉ còn vài người. Các tình nguyện viên hướng dẫn tôi tận tình, chu đáo. Nhìn quang cảnh ngày hội hiến máu đúng là chỉ có các bạn trẻ, có lẽ là sinh viên các trường trung cấp, cao đẳng. Chỉ mình tôi là “trội” lên, nên cảm tưởng có phần “lạc lõng” chút chút, nhưng hình như không ai để ý. Qua các bàn làm tờ khai nhân thân, phỏng vấn tiền sử bệnh, đo huyết áp… đều thông suốt, tôi bắt đầu yên tâm hơn. Một cô nhìn ngày sinh tháng đẻ nói: “Đây là lần hiến cuối cùng chú nhỉ?”. Tôi hỏi: “Vì sao vậy?”. Đáp: “Chú còn 2 tháng nữa nghỉ hưu, trên 60 tuổi là không được hiến nữa, mà mỗi lần hiến cách nhau ít nhất 3 tháng”. Nghĩ thấy tiếc, giá như mình đi hiến máu sớm hơn.

Rồi đến bàn lấy máu thử. Cũng giống như mấy lần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nhưng lần này thì rất hồi hộp, không biết “đậu” hay “rớt” đây? Thôi phải đi ăn sáng cái đã, sáng nhịn ăn đói lắm rồi. Ăn sáng, uống cà phê xong mấy chú cháu trở lại xem kết quả. “Chú “đậu” rồi!” - một cô reo lên. Cảm xúc thật khó tả. Nếu không có các nam thanh nữ tú cỡ tuổi con cháu thì chắc tôi đã nhảy lên “ăn mừng” rồi. Có cảm tưởng như vừa vượt qua một cuộc thi quan trọng.

Mọi người nhắc tôi uống ly nước đường rồi dẫn đến phòng lấy máu. Một cô dặn: “Chú cứ yên tâm mà nằm nghỉ, nếu bị xỉu thì có các cháu xinh tươi xung quanh đây bế đi cấp cứu. Giờ bọn cháu về cơ quan làm việc đã”. Tôi bật cười nhưng cũng lo lo không biết có “xỉu” không. Nằm nhắm mắt một hồi đã thấy cô điều dưỡng đến rút dây ống. Chẳng có gì đặc biệt, không xỉu, không choáng, mà nếu “xỉu” thì sẽ ra sao nhỉ? Tôi cảm thấy hơi tiêng tiếc vì không có nhiều cơ hội trải nghiệm.

Tác giả tham gia hiến máu. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Tác giả tham gia hiến máu.

Về cơ quan, tôi khoe với một cậu “mình vừa đi hiến máu về”. Một anh chàng ngạc nhiên: “Chú "ngon" vậy! Cháu nhìn to khỏe thế nhưng mấy lần đi hiến đều trượt. Mỡ máu cao quá”.

Mở máy tính, lên mạng tìm hiểu về điều kiện hiến máu, thì đọc được mấy dòng này: Không mắc các bệnh mạn tính, cấp tính về thần kinh, tâm thần, hô hấp, tuần hoàn, tiết niệu, tiêu hóa, gan mật, nội tiết, máu và tổ chức tạo máu, bệnh hệ thống, bệnh tự miễn, tình trạng dị ứng nặng; không nghiện ma túy, rượu; không sử dụng một số thuốc có nguy cơ gây đột biến di truyền theo quy định của Bộ Y tế; không mắc các bệnh lây truyền qua đường máu, đường tình dục tại thời điểm đăng ký hiến máu. Huyết áp tối đa trong khoảng từ 100 mmHg đến dưới 160 mmHg và tối thiểu trong khoảng từ 60 mmHg đến dưới 100 mmHg. Mạch trong khoảng từ 60 đến 90 lần/phút. Không có một trong các biểu hiện: gầy, sút cân nhanh (trên 10% cân nặng cơ thể trong thời gian 6 tháng); da xanh, niêm mạc nhợt; hoa mắt, chóng mặt; vã mồ hôi trộm; hạch to xuất hiện nhiều nơi; sốt; phù; ho, khó thở; tiêu chảy; xuất huyết các loại; có các tổn thương, dấu hiệu bất thường trên da…

Như vậy, riêng xét nghiệm sàng lọc thôi cũng đã giúp chẩn đoán bệnh cho mình rồi. Ngoài ra nhiều người nói đi hiến máu có lợi lắm, kiểu như mình thay máu để sản xuất ra máu mới tốt hơn, những người chăm đi hiến máu lúc nào cũng thấy sung sức. Tôi lại thấy tiếc, giá như mình đi hiến máu sớm hơn từ vài năm trước!

Thế Nhân


Ý kiến bạn đọc