Đưa cồng chiêng về với buôn làng
Di sản Không gian Văn hóa Cồng chiêng (KGVHCC) đang được bảo tồn qua những hoạt động thiết thực, trong đó có việc đưa cồng chiêng về với buôn làng.
Hỗ trợ thiết thực
Giá trị của KGVHCC khó có thể đong đếm, nhưng vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan mà di sản này đang đứng trước nhiều thách thức... Trước thực trạng đó, công tác bảo tồn, kế thừa, phát huy văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh được cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là Nghị quyết số 05 về “Bảo tồn, phát huy văn hóa Cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2016 – 2020” ban hành ngày ngày 30-08-2016 của HĐND tỉnh.
Bà H’Buốt Mlô (buôn M’Oa, xã Cư Huê, huyện Ea Kar) giới thiệu về bộ chiêng được trao tặng. |
Từ năm 2016 đến nay, Sở VH-TT-DL đã cấp 26 bộ chiêng mới cùng trang phục truyền thống cho các đội chiêng, đội văn nghệ ở các buôn có nhiều thành tích trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy Di sản KGVHCC. Đây là những bộ chiêng được đặt riêng do các nghệ nhân làng nghề đúc đồng Phước Kiều (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) - làng đúc chiêng đồng duy nhất của Việt Nam hiện nay chế tác. Trước khi bàn giao về buôn làng, những bộ chiêng này đã được Hội đồng thẩm định là những nghệ nhân, nghệ sĩ, cán bộ chuyên môn… kiểm tra chất lượng và chỉnh sửa thang âm cho phù hợp với nhịp điệu, tiết tấu của mỗi cộng đồng dân tộc.
Nhân đôi niềm vui
Việc cấp chiêng và trang phục truyền thống đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Đơn cử như đội chiêng Jhô của người Êđê Bih (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) được thành lập đã lâu. Không chỉ đánh chiêng ở buôn, làng vào các dịp lễ, hội, đội chiêng nữ này còn được mời đi biểu diễn khắp các tỉnh, thành trên cả nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Thế nhưng mỗi lần tập luyện và biểu diễn, họ vẫn phải đi mượn chiêng chứ không có bộ chiêng riêng của mình. Thậm chí, có những khi không mượn được, đội chiêng phải nghỉ tập luyện; điều này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ công việc, mà còn khiến họ cảm thấy buồn. Từ khi được tỉnh cấp cho bộ chiêng mới, nghệ nhân ai cũng phấn khởi vì được chủ động hơn trong việc truyền dạy, tập luyện. Ông Y’Rem Êban (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) cho hay: “Được Sở VH-TT-DL trao tặng bộ chiêng, các nghệ nhân đỡ vất vả phần nào mỗi khi tập luyện và biểu diễn”.
Buôn M’Oa (xã Cư Huê, huyện Ea Kar) có 7 buôn đồng bào dân tộc Êđê sinh sống. Hầu hết các em trong độ tuổi thanh thiếu niên ở đây đều không biết đánh chiêng, nhưng với sự đam mê của bản thân và sự nhiệt tình của các nghệ nhân trong buôn, các em đã được truyền dạy đánh chiêng. Đặc biệt, các em đã được gia đình bà H’Buốt Mlô (buôn M’Oa) cho mượn chiêng để học tập và mượn cả trang phục truyền thống để tham gia biểu diễn.
Ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL trao chiêng cho các nghệ nhân tại buôn Đôn (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn). |
Nắm bắt được tình hình thực tế và nhu cầu của người dân, Sở VH-TT-DL đã tiến hành cấp chiêng và trang phục truyền thống cho buôn M’Oa. Điều này đã khích lệ, động viên tinh thần rất lớn đối với các nghệ nhân truyền dạy ở buôn, đồng thời đã tạo điều kiện để chính quyền xã Cư Huê cũng như huyện Ea Kar mở thêm các lớp truyền dạy đánh chiêng, dân ca, dân vũ, tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ quần chúng tại địa phương…
Không chỉ đối với các thành viên của đội chiêng Jhô hay buôn M’Oa, mà những buôn, đội chiêng, đội văn nghệ ở các địa phương của tỉnh đã được cấp chiêng đều có chung niềm vui, phấn khởi khi có được bộ chiêng cho riêng mình. Từ sự tiếp sức của chính quyền và với niềm tự hào về văn hóa truyền thống dân tộc, hy vọng rằng nhịp chiêng sẽ được vang mãi trên buôn làng quê hương.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc