Multimedia Đọc Báo in

Gửi yêu thương đến trẻ em vùng lũ

06:08, 21/11/2020

Từ những lời kêu gọi trên mạng xã hội, một nhóm phụ nữ yêu thích may vá đã tập hợp và cùng nhau may những bộ quần áo ấm tặng trẻ em các tỉnh chịu thiệt hại do thiên tai.

Ngày cuối tuần, thay vì thiết kế váy bé gái như công việc hằng ngày, chị Nguyễn Thị Trà Uyên (TP. Buôn Ma Thuột) lại loay hoay cắt vải thun cotton để may những bộ quần áo dài tay cho trẻ em vùng thiên tai. Chị chia sẻ, dù theo nghề may hơn 3 năm qua nhưng đây là lần đầu tiên chị may loại quần áo và chất liệu này. Hầu hết số vải do các điểm bán vải quyên góp ủng hộ, ngoài ra còn do người quen ở TP. Hồ Chí Minh xin được từ các cơ sở may công nghiệp gửi tặng. Vải sau khi cắt xong, một phần được nhân công tại cơ sở của chị Uyên ráp bằng máy chuyên dụng, một phần được các thành viên khác của nhóm may thiện nguyện mang về ráp tại nhà bằng các loại máy may gia đình, máy may một kim thông thường.

May quần áo cho trẻ em vùng thiên tai tại cơ sở của chị Trà Uyên.
May quần áo cho trẻ em vùng thiên tai tại cơ sở của chị Trà Uyên.

Thành viên của nhóm may thiện nguyện này vốn cùng tham gia một hội chia sẻ kinh nghiệm và tập may vá trên Facebook. Đa số thành viên đều là “tay ngang”, chủ yếu may cho bản thân và gia đình theo hướng dẫn tự học trên Internet. Sau khi cơn bão số 9 quét qua các tỉnh miền Trung, nhiều thành viên ở Quảng Bình, Huế, Hà Tĩnh đã chia sẻ các thông tin về thiệt hại do thiên tai và xin quần áo, chăn ấm cho người dân nơi đây. Quản trị viên của hội đã phát động phong trào may quần áo dài tay cho trẻ em vùng lũ lụt, góp sức cùng đồng bào vượt qua khó khăn.

Từ lời kêu gọi này, các thành viên ở Đắk Lắk nhanh chóng kết nối để hỗ trợ nhau. Người góp vải, người góp công, ai nấy đều mong những bộ quần áo sớm được đến tay trẻ em vùng lũ.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (huyện Cư M’gar) cho biết, ban đầu, nhóm dự định tập trung tại một điểm cùng thực hiện. Tuy nhiên, do các chị em làm nhiều ngành nghề lại ở khá xa nhau nên phải chia thành các nhóm nhỏ để việc đi lại thuận tiện hơn. Vải cũng được phân ra, loại dày, thô sẽ may làm chăn, còn loại co giãn tốt, mịn đẹp hơn dùng may quần áo. Nhìn hình ảnh các em nhỏ ướt, lạnh trong mưa lũ, ai nấy đều xót xa, chỉ mong may được thật nhiều quần áo cho các em. Nhưng các chị cũng bảo nhau phải cắt thật khéo, may thật kỹ lưỡng sao cho mỗi bộ quần áo là một thông điệp yêu thương, một lời động viên gửi đến những người đang gặp khó khăn.

 

Một nhóm thành viên cắt vải theo rập để may thành quần áo ấm cho trẻ em vùng thiên tai. 
Một nhóm thành viên cắt vải theo rập để may thành quần áo ấm cho trẻ em vùng thiên tai.

Chỉ trong một thời gian ngắn nhóm đã huy động hơn 7 tạ vải và hoàn thành khoảng 300 bộ quần áo, hàng chục chiếc chăn ấm cho trẻ em từ 1 - 10 tuổi. Tất cả đều được giặt sạch, phơi khô rồi mới chuyển đến các đầu mối cứu trợ để người dân vùng chịu thiệt hại do thiên tai có thể sử dụng được ngay.

Ngoài việc chia sẻ với đồng bào vùng thiên tai, các chị dự định sẽ tiếp tục may quần áo tặng trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo ở các vùng còn nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh từ số vải được quyên tặng vừa qua, biến chúng thành những niềm vui nhỏ của cả người được nhận và người cho đi.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.