Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh: Thiết thực góp phần thực hiện tiêu chí về môi trường

08:28, 18/11/2020

Nằm trong số 21 tỉnh, thành phố được thụ hưởng Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả", nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà tiêu hợp vệ sinh. Từ đó, thay đổi tập quán sinh hoạt, góp phần thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” giai đoạn 2016 – 2020 sử dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới kết hợp cùng nguồn vốn đối ứng của tỉnh. Mục tiêu của chương trình nhằm cải thiện vệ sinh môi trường, thay đổi hành vi, thói quen, tập quán sinh hoạt lạc hậu trước đây của người dân vùng nông thôn. Để thực hiện điều này, ngoài hoạt động hỗ trợ cấp nước sạch cho hộ dân, cấp nước và công trình vệ sinh cho trường học, trạm y tế thì chương trình đã và sẽ hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo 4.400 nhà tiêu hợp vệ sinh cho các hộ gia đình vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh (50 USD/nhà).

Một hộ dân ở xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Một hộ dân ở xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Là địa phương được hưởng lợi từ chương trình, xã Ea Kpam (huyện Cư M'gar) có 30 hộ dân được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh từ năm 2018. Từ số tiền 50 USD được hỗ trợ này, nhiều hộ đã bỏ thêm từ 1 - 3 triệu đồng để xây dựng nhà tiêu kết hợp nhà tắm nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình. Đơn cử như hộ bà Lê Thị Hiền (thôn 6), sau khi nhận tiền hỗ trợ, gia đình đã đầu tư thêm 2 triệu đồng để làm nhà tắm. Chị Hiền chia sẻ, trước đây, gia đình không có nhà vệ sinh, mỗi lúc cần vệ sinh thì đi ra vườn hoặc đi nhờ nhà hàng xóm, dẫu biết như thế bất tiện và mất vệ sinh, nhưng vì hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn nên đành chịu. Khi biết sẽ được hỗ trợ 50 USD để xây dựng nhà tiêu, chị cố gắng vay mượn họ hàng để xây thêm nhà tắm.

Ông Nguyễn Hữu Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kpam cho biết: “Số tiền hỗ trợ tuy không lớn nhưng đã tạo động lực, cơ sở để người dân đầu tư xây dựng thêm nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh. Theo dõi và kiểm tra sát sao việc thực hiện gần 3 năm qua cho thấy, hầu hết các công trình đều phát huy hiệu quả, góp phần giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và thói quen sinh hoạt. Hiện nay, toàn xã đã có trên 96% hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh, nhờ đó môi trường sạch sẽ hơn hẳn”.

Cán bộ xã Ea Kpam (huyện Cư M'gar) kiểm tra công trình nhà tiêu của hộ bà Lê Thị Hiền sau khi được hỗ trợ xây dựng.
Cán bộ xã Ea Kpam (huyện Cư M'gar) kiểm tra công trình nhà tiêu của hộ bà Lê Thị Hiền sau khi được hỗ trợ xây dựng.
Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh, tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh đã xây dựng và cải tạo được 2.143 nhà tiêu hợp vệ sinh. Con số này hiện chưa đạt so với kế hoạch (4.400 nhà) là do Chương trình được thực hiện khi Luật Đầu tư công có hiệu lực thi hành với nhiều quy định mới, tiến độ thực hiện chậm 2 năm so với kế hoạch và việc phân bổ nguồn vốn còn chậm…

Tương tự, ở huyện Krông Ana có 6 xã gồm: Quảng Điền, Bình Hòa, Dray Sáp, Băng Adrênh, Dur Kmăl và Ea Na được hỗ trợ xây dựng tổng cộng trên 1.000 nhà tiêu cho các hộ nghèo và hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Điều đáng mừng là sau khi thấy các hộ dân xây dựng nhà tiêu, nhiều gia đình đã thay đổi nhận thức và làm theo mà không chờ sự hỗ trợ. Trong khi đó, trước đây, việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh ở các địa phương này là một bài toán nan giải, một phần do tập quán của người dân, phần khác là do điều kiện kinh tế gia đình, nhất là những hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn quá khó khăn vì chi phí để xây dựng một nhà tiêu hợp vệ sinh cũng phải trên dưới 2 triệu đồng. Chính vì thế, trước khi triển khai chương trình, cán bộ chính quyền địa phương phải đến từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức của họ.

Được biết, chương trình sẽ được giải ngân dựa trên kết quả, cụ thể sau khi được chọn để hỗ trợ, các hộ dân sẽ tiến hành xây nhà vệ sinh. Khi hoàn thành, cán bộ cơ quan chức năng sẽ đến kiểm tra thực tế từng hộ gia đình; hộ nào xây dựng đạt tiêu chuẩn thì mới được nhận hỗ trợ… Điều này không chỉ gắn trách nhiệm của đơn vị quản lý, cán bộ địa phương và người dân trong việc xây dựng nhà vệ sinh mà còn nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề vệ sinh, triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát, báo cáo đánh giá tính hiệu quả của chương trình sau đầu tư.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.