Ký ức tươi đẹp về xứ sở bạch dương
Cuộc sống bộn bề có thể cuốn trôi nhiều thứ, nhưng những ký ức về đất nước, con người nước Nga xinh đẹp vẫn mãi in tạc trong tâm khảm mỗi người đã từng học tập, công tác tại Liên Xô cũ.
Xứ sở sâu nặng nghĩa tình
Lật giở lại từng kỷ niệm trên đất nước Nga, ông Nguyễn Văn Hải (Trường Trung cấp Tây Nguyên) rưng rưng khi nhắc đến những con người ở một nơi tuy xa lạ, mà rất chí tình, chí nghĩa.
Năm 1984, lần đầu tiên đặt chân đến xứ sở bạch dương, ông cùng các bạn của mình đã được người dân nơi đây chào đón niềm nở và ấm áp như người thân. Ông Hải xúc động hồi tưởng: “Đi đâu, làm gì, chúng tôi cũng luôn được ưu tiên. Khi tới cửa hàng mua đồ, người Việt không cần xếp hàng dài theo thứ tự, mà sẽ được tạo điều kiện để mua sớm nhất, thậm chí có cửa hàng còn cho thêm đồ dùng, thực phẩm. Những bà mẹ Nga khi thấy tiết trời lạnh cóng sẽ nhắc nhở chúng tôi mặc thật ấm khi đi ra đường. Và khi bạn đi lạc ngoài đường, người dân Nga sẵn sàng hỗ trợ, thậm chí không ngại đường xa, sẵn sàng chở về đúng địa điểm mà bạn đang cần đến”.
Từ chỗ lạ lẫm với tất cả mọi thứ, ông Hải đã nhanh chóng làm quen, bắt nhịp với cuộc sống mới nhờ sự hỗ trợ tích cực từ những người bạn Nga nhân hậu, mến khách. Năm đầu tiên ông học tiếng, các thầy cô kiên nhẫn hướng dẫn, tận tình giải thích. Khi chuyển sang môn chuyên ngành, họ không chỉ truyền dạy kiến thức, mà còn chỉ cho học viên phong cách sống, làm việc sao cho gần gũi, khoa học, hiệu quả nhất.
Năm 2018, ông Hải có dịp quay trở lại nước Nga, đất nước đã có nhiều thay đổi, hiện đại và xinh đẹp hơn rất nhiều. Tuy vậy, tình cảm và sự nồng ấm của người dân Nga vẫn vẹn nguyên như hơn 30 năm trước. Tham dự lễ kỷ niệm thành lập trường học cũ, ông bất ngờ khi nhiều thầy giáo đã ngoài 80 tuổi vẫn còn nhớ rành rọt tên học viên. Còn nhà trường vẫn lưu giữ những bức hình kỷ niệm của nhiều thế hệ học viên, trong đó có ông, cho dù đã rất xưa cũ.
Các chuyên gia, cán bộ từng sống, học tập và công tác tại Nga cùng chuyện trò, ôn lại kỷ niệm. |
Thanh xuân trên đất nước tươi đẹp
Với chị Chu Thị Thanh Bình (Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh), tuổi thanh xuân tươi đẹp gắn liền với đất nước Nga vĩ đại. Từ năm 1988 – 1992, chị được tạo điều kiện học tập và làm việc tại một nhà máy thuộc vùng Viễn Đông của nước Nga. Ký ức về nước Nga trong chị là một đất nước có nền văn hóa lâu đời, nơi có những cánh rừng taiga trải dài mênh mông trong tuyết trắng, nơi có tiếng đàn balabaica huyễn hoặc, chiếc ấm samovar sưởi ấm lòng trong những đêm đông lạnh. Chị nhớ những chiều tà thư thả bên rặng bạch dương nghe lòng dâng lên bao cảm xúc gần gũi. Nhớ những bông hoa tuyết lóng lánh, những cây thông xanh mướt, nhớ cái lạnh đến thấu xương, nhưng cũng đẹp đến nao lòng…
Tình yêu đất nước và con người Nga như ngấm vào máu thịt của chị. Có lẽ vì vậy mà các con của chị cũng rất yêu đất nước này. Hiện tại con trai chị là Lã Quý Anh đang du học tại Nga. Tâm sự với con mỗi ngày như là cơ hội để chị được sống lại những tình cảm hồn nhiên, sâu nặng của một thời thanh xuân rạng rỡ.
Với ông Nguyễn Huy Bài (nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột), quãng thời gian 5 năm ở nước Nga tràn đầy những kỷ niệm êm đẹp, mà đáng nhớ nhất là đám cưới của vợ chồng ông. Cuối năm 1986, ông Bài khi ấy là một sĩ quan quân đội, được cử đi học tại một nhà máy ở thành phố Iarôxlap. Quá trình học tập, làm việc, ông may mắn gặp được bà Nguyễn Thị Định rồi kết mối lương duyên. Ông kể, cộng đồng người Việt tại Nga lúc bấy giờ như một gia đình lớn. Cùng với những người bạn Nga, người Việt quan tâm, đồng cảm và sẻ chia với nhau nhiều điều. Đây cũng là động lực để khoảng cách địa lý giữa đôi bạn trẻ như gần lại, dù thực tế cách nhau hơn 300 km. Tuy vắng bố mẹ hai bên, nhưng mọi thủ tục cưới xin đều được bạn bè của cả hai đứng ra tổ chức theo một số nghi lễ truyền thống rất trang trọng, ấm cúng. Có một điều đặc biệt là trước khi đám cưới diễn ra, cô dâu chú rể cùng đại diện đoàn khách mời (khoảng 200 người) đã đến đặt hoa tưởng niệm tại các tượng đài liệt sĩ ở thành phố nơi chú rể đang sinh sống.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc