Multimedia Đọc Báo in

Mưa lớn, nhiều hộ dân bị cô lập

09:03, 11/11/2020

Do ảnh hưởng của cơn bão số 12, mưa lớn kéo dài từ tối ngày 9 đến ngày 10-11 khiến nhiều khu dân cư với hàng trăm hộ dân tại một số địa phương trong tỉnh bị cô lập. Lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đang khẩn cấp di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, lượng mưa trên địa bàn tỉnh phổ biến từ 50 – 100 mm. Khu vực phía Đông của tỉnh từ 80 – 130 mm, có nơi trên 130 mm, gió cấp 3, cấp 4, giật cấp 5. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, ngập úng cục bộ vùng trũng thấp, sạt lở vùng đất dốc thuộc các huyện: M’Drắk, Ea Kar, Krông Năng, Ea H’leo, Krông Búk, Krông Pắc, Krông Bông, Ea Súp, Cư M’gar…

Xả lũ hồ chứa nước Krông Búk hạ.    Ảnh: Thuận Nguyễn
Xả lũ hồ chứa nước Krông Búk hạ. Ảnh: Thuận Nguyễn

Tại huyện Lắk, tính đến 14 giờ ngày 10-11, có khoảng 400 hộ dân bị ngập nhà tại buôn Yang Lah 1, Yang Lah 2 và buôn Drên A, Drên B thuộc xã Đắk Liêng. Về cây trồng, toàn huyện có gần 400 ha bị ngập: Bông Krang 130 ha; Yang Tao 110 ha; Đắk Liêng: 90 ha; Đắk Nuê 25 ha và thị trấn Liên Sơn 5 ha. Trong ngày 10-11, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Lắk đã đi kiểm tra tình hình thực tế, lên phương án sẵn sàng ứng phó với mưa lũ, trong đó ưu tiên giải pháp sơ tán, di dời dân và tài sản của người dân về nơi cao ráo, an toàn. Hiện các hộ dân có nhà bị ngập đã được di dời về nhà cộng đồng các thôn, buôn và UBND xã Đắk Liêng. Chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn huyện cũng đang tích cực huy động lực lượng để ứng trực tại khu vực có nguy cơ cao.

UBND huyện Lắk đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các phòng, ban, ngành và các đơn vị liên quan, chủ tịch UBND các xã, thị trấn Liên Sơn triển khai ngay một số nội dung: Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông báo thường xuyên đến người dân để chủ động phòng tránh, hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, tuyệt đối không để chủ quan dẫn đến các sự cố đáng tiếc xảy ra. Chỉ đạo kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy га ngập lụt khi mưa lớn, khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; xử lý vật cản gây tắc nghẽn dòng chảy để giảm nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ, lũ ống, lũ quét khi mưa lớn, nhất là trên các suối, khe cạn, các ao hồ trữ nước của các hộ dân; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập sâu, chia cắt, cô lập.

Nhiều diện tích cây trồng ở xã Cư Elang (huyện Ea Kar) bị ngập. Ảnh: Thuận Nguyễn
Nhiều diện tích cây trồng ở xã Cư Elang (huyện Ea Kar) bị ngập. Ảnh: Thuận Nguyễn

Bên cạnh đó, tập trung sẵn sàng lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” kết hợp với lực lượng chủ lực đóng quân trên địa bàn để kịp thời triển khai công tác ứng phó và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra. Chỉ đạo người dân và các lực lượng trong công tác ứng phó, phòng tránh và cứu hộ phải luôn đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, không để xảy ra những sự cố do lỗi chủ quan, bất cẩn. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống các công trình phòng chống thiên tai, sạt lở, nhất là các trọng điểm xung yếu; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.

Chủ động triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; triển khai các biện pháp không để người dân vớt củi trên sông, suối; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo thông suốt trên các trục giao thông chính. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, chủ động nắm bắt tình hình và báo cáo kịp thời về UBND huyện, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu xảy ra…

Tại huyện Ea Kar, lượng mưa dao động từ 120 - 130 mm gây ngập cục bộ tại các xã Cư Bông, Cư Elang, Cư Prông, Ea Ô. Hiện nay, các địa phương đang phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức nạo vét rãnh mương tại khu vực ngập cục bộ, đối với vị trí ngập sâu thì lên phương án di dời dân về vị trí an toàn. Đến khoảng 15 giờ ngày 10-11, có 5 hộ của 2 xã trên địa bàn huyện được di dời đến nơi an toàn, gồm 4 hộ, 20 khẩu của thôn 23, xã Cư Bông; 1 hộ, 3 khẩu ở thôn 6 A, xã Cư Prông.

Một nhà dân  tại huyện  Krông Năng  bị ngập.   Ảnh:  Thuận Nguyễn
Một nhà dân tại huyện Krông Năng bị ngập. Ảnh: Thuận Nguyễn

Theo thông tin từ UBND huyện Krông Năng, trên địa bàn huyện có 6 hộ dân tại xã Cư Klông nước vào ngập nhà từ 0,7 m đến 1 m, những hộ bị ngập sâu đã được di dời đến nơi an toàn. Ngoài ra, địa phương có 1 cống tràn tại xã Cư Klông nước ngập sâu khoảng 1,2 m; ngầm tràn tại xã Phú Xuân ngập khoảng 0,4 m, phương tiện không thể qua lại. Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, UBND huyện Krông Năng đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức sẵn sàng lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là khu vực ngập sâu, nước chảy xiết để đề phòng sạt lở, lũ quét, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Krông Bông, từ đêm 9-11 đến 15 giờ ngày 10-11, trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn liên tục trên diện rộng khiến nước các sông, suối dâng cao, gây lũ; một số hộ dân bị cô lập, cây trồng bị ngập, đường giao thông bị ngập và sạt lở… Thống kê sơ bộ, tính đến 15 giờ ngày 10-11, trên địa bàn huyện có 10 nhà dân ở xã Cư Drăm và Khuê Ngọc Điền bị ngập, 255 ha cây trồng bị thiệt hại. Một số đoạn đường vào thôn Ea Hăn, Yang Hăn (xã Cư Drăm), thôn 3 (xã Hòa Phong) bị ngập nước sâu khoảng 1 m, gây chia cắt, nhiều hộ dân trên địa bàn bị cô lập; tại khu vực thôn 12 (xã Hòa Lễ) bị sạt lở. Trước tình hình trên, Phòng NN-PTNT, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Krông Bông đã tổ chức đánh giá tình hình ngập lụt và an toàn hồ đập trên địa bàn; phân công thành viên phụ trách địa bàn và yêu cầu UBND các xã bố trí lực lượng trực tại những điểm xung yếu, sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác cứu nạn, di dời người dân và tài sản vùng bị ngập lụt tới nơi an toàn. Do mực nước các sông, suối trên địa bàn huyện vẫn tiếp tục dâng nên UBND huyện Krông Bông đã yêu cầu các xã, thị trấn thường xuyên nắm bắt, kiểm tra tình hình trên địa bàn, triển khai phương án ứng phó với những tình huống có thể xảy ra, nhất là vùng có nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân…

Tại huyện M'Drắk, UBND huyện, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan trực ban 24/24 giờ. Đối với những nơi nguy hiểm phải cắm biển cảnh báo, bố trí lực lượng tổ chức gác chặn, hỗ trợ người và phương tiện tham gia giao thông qua lại an toàn. Đặc biệt đối với xã Cư San, UBND huyện đã yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Thủy lợi 8 khẩn trương rà soát các hộ dân nằm trong vùng dự án hồ chứa nước Krông Pách thượng để sẵn sàng thực hiện phương án di dời phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản của người dân. Riêng tại thôn 9, 10 và 11 của xã Cư San đang tập trung lực lượng các cấp vận động, tuyên truyền người dân chủ động, phối hợp với chính quyền địa phương sẵn sàng di dời trong trường hợp khẩn cấp. Tính đến 16 giờ ngày 10-11, huyện M’Drắk đã thực hiện di dời 13 hộ dân tại xã Cư San đến nơi an toàn. Nước lớn cuốn trôi 2 xe máy tại đèo 35, xã Ea Trang. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có nhiều cầu, cống, công trình giao thông bị ngập, hiện địa phương và lực lượng chức năng đã lập các chốt chặn, cắm biển báo tại các khu vực nguy hiểm.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 12 đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, ngập úng cục bộ vùng trũng thấp, sạt lở vùng đất dốc thuộc 15 thành phố, huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Nhằm đảm bảo an toàn hạ du các hồ chứa và chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết; chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Bố trí lực lượng tại các hồ đập bị hư hỏng có nguy cơ mất an toàn cao để kịp thời phát hiện và xử lý khi có tình huống xấu nhằm giảm thiểu thiệt hại…

Thuận Hoàng - Lê Minh Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.