Người đưa hương vị các món ăn Thái bay xa
Rời quê hương Sơn La vào thôn 1 (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) sinh sống đã hơn 20 năm nhưng chị Lù Thị Hạnh (dân tộc Thái) vẫn rất “nặng lòng” với những món ăn đặc trưng của dân tộc mình.
Chị Hạnh quyết định khởi nghiệp với ẩm thực Thái để cộng đồng các dân tộc sinh sống trên cao nguyên Đắk Lắk được thưởng thức những món đặc sản như: thịt gác bếp, xôi nếp cẩm, rượu nếp...
Lâu nay, những món ăn đậm đà hương vị Tây Bắc vẫn được chị Hạnh thường xuyên chế biến cho các thành viên trong gia đình thưởng thức. Đặc biệt là rằm tháng Giêng âm lịch hằng năm, người Thái sinh sống ở thôn 1 (xã Hòa Phú) tổ chức Lễ hội cổ truyền, với các hoạt động văn hóa, thể thao và cả những món ăn đặc trưng của dân tộc mình. Tuy nhiên, năm 2000 trở về trước, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, nên lễ hội cổ truyền không được quy mô, bài bản.
Chị Lù Thị Hạnh tham gia trưng bày sản phẩm Thái Ban Mê tại hội chợ Triển lãm nông nghiệp - thương mại năm 2020. |
“Sắp tới, tôi đầu tư nhà xưởng, mua sắm máy móc để sản xuất thuận lợi hơn; đồng thời liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Hiện nay, các sản phẩm của “Thái Ban Mê” đang trong quá trình chuẩn bị thủ tục giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, OCOP”.
Chị Lù Thị Hạnh, thôn 1 (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột)
|
Là diễn viên múa, lại thành thạo đặc sản của dân tộc Thái, chị Hạnh chủ động giới thiệu, hướng dẫn người dân địa phương, du khách cùng múa hát, tham gia các trò chơi dân gian, thưởng thức xôi nếp cẩm, thịt gác bếp, rượu nếp… thơm ngon, độc đáo. Cũng từ đó, nhiều người dân đã tìm đến chị Hạnh đặt làm những món ăn đặc sản của dân tộc Thái. “Chế biến các món ăn đặc sản nổi tiếng của người Thái không khó, nhưng đòi hỏi phải có một số nguyên liệu, gia vị đặc trưng chỉ có ở vùng Tây Bắc. Vì vậy, tôi phải nhờ người nhà ở Sơn La gửi men thuốc bắc, gừng núi đá, hạt đổi, hạt mắc khén... vào”, chị Hạnh trò chuyện. Ví dụ để ủ được rượu nếp Thái ngon, phải chọn được loại nếp có hạt to, khi nấu chín có mùi thơm, dẻo. Sau khi nấu xong, rải xôi ra để nguội, trộn đều với men thuốc bắc theo tỷ lệ nhất định, rồi ủ trong vòng 7 – 10 ngày là có thể mang ra uống. Hay như món thịt heo, bò, trâu gác bếp phải chọn được loại thịt tươi ngon, tẩm ướp nhiều loại gia vị cổ truyền của người Thái, như hạt dổi, mắc khén, gừng núi đá… trong vòng một giờ, sau đó hong trên lửa than hồng một ngày một đêm mới có được thịt gác bếp ưng ý.
Năm 2015, chị Hạnh rao bán đặc sản dân tộc Thái trên mạng xã hội Facebook và nhận được phản hồi tích cực. Tiếp đó, chị đem các sản phẩm đặc sản giới thiệu tại các hội chợ, trưng bày sản phẩm khởi nghiệp của tỉnh với tên gọi “Thái Ban Mê”. Để rồi 5 năm sau, thương hiệu “Thái Ban Mê” nhanh chóng được người dân trong và ngoài tỉnh biết đến, đôi lúc “cháy hàng”, nhất là dịp lễ, tết. Ngày thường, trung bình mỗi tháng, chị Hạnh cung cấp khoảng 100 lít rượu nếp Thái, 1 tạ thịt trâu, bò gác bếp, 25 kg muối hạt dổi mắc khén… cho thị trường TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh miền Tây.
Chị Lù Thị Hạnh giới thiệu các sản phẩm rượu nếp Thái cho khách hàng. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Chị Hạnh tâm sự: “Với tôi, các sản phẩm của “Thái Ban Mê” không đơn thuần là món ăn ngon của núi rừng Tây Bắc mà còn là niềm tự hào, tình yêu quê hương sâu nặng. Khởi nghiệp với ẩm thực đặc sắc của quê hương, không chỉ giúp tôi có thu nhập ổn định mà còn góp phần giữ gìn, quảng bá nét văn hóa ẩm thực độc đáo của dân tộc Thái đến với mọi người, mọi vùng miền”.
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc