Multimedia Đọc Báo in

Nhân dân huyện Cư M'gar hướng về miền Trung

08:21, 17/11/2020

Trước những thiệt hại to lớn của người dân miền Trung do ảnh hưởng của những trận bão lũ liên tiếp, cùng với đồng bào cả nước, chính quyền và nhân dân huyện Cư M’gar đã và đang thực hiện nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực hướng về "khúc ruột" của Tổ quốc.

Từ giữa tháng 10 đến nay, Ủy ban MTTQVN huyện Cư M'gar đã vận động được 804 triệu đồng tiền mặt gửi về Ủy ban MTTQVN tỉnh. Cùng với đó, Ủy ban MTTQVN các xã phối hợp với các nhà hảo tâm tổ chức 5 đoàn xe trực tiếp chở 8 tấn gạo, hơn 1.200 thùng mì tôm, 2.150 đòn bánh tét, 1.000 bộ quần áo cũ, các nhu yếu phẩm (gồm: sữa, lương khô, nước mắm, thịt hộp…) trị giá hơn 660 triệu đồng và 275 triệu đồng tiền mặt ra miền Trung thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các gia đình bị thiệt hại nặng.

Nhóm Hoa sen 47 chuẩn bị quà cứu trợ cho đồng bào các tỉnh miền Trung. (Ảnh do nhóm Hoa sen 47 cung cấp)
Nhóm Hoa sen 47 chuẩn bị quà cứu trợ cho đồng bào các tỉnh miền Trung. (Ảnh do nhóm Hoa sen 47 cung cấp)

Trở về sau chuyến cứu trợ 5 ngày 4 đêm ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, chị Võ Thị Liễu (thị trấn Quảng Phú) chia sẻ, nhóm thiện nguyện của chị đã trực tiếp đến tận nơi, chứng kiến nhiều gia đình rơi vào cảnh trắng tay sau lũ, đói lạnh bủa vây. Đi rồi mới thấy bà con mình khổ quá. Anh chị em trong nhóm của chị đang tiếp tục huy động, quyên góp để tổ chức chuyến đi cứu trợ miền Trung vào đợt tới.

Anh Nguyễn Hữu Phú, Trưởng nhóm thiện nguyện Hoa sen 47 cho hay, nhóm đã vận động được 2.100 suất quà là nhu yếu phẩm, tiền mặt và gói trên 2.000 đòn bánh tét (tổng trị giá hơn 700 triệu đồng) chia làm hai đợt trực tiếp đến trao tặng đồng bào ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam. Hiện tại, nhóm vẫn đang tích cực vận động hỗ trợ để cuối tháng 11 này về tỉnh Quảng Nam giúp bà con vùng bị sạt lở vượt qua khó khăn.

Có thể thấy, dù vẫn đang chật vật với cuộc sống, đối diện với không ít khó khăn do hậu quả của dịch bệnh Covid-19 gây ra nhưng nhiều người dân huyện Cư M'gar vẫn sẵn sàng góp công, góp sức chung tay hướng về đồng bào miền Trung ruột thịt. Như anh Phạm Văn Sang (thị trấn Quảng Phú), qua các phương tiện truyền thông, thấy hình ảnh nhiều ngôi làng, mái nhà ở miền Trung ngập trong lũ dữ, anh cùng nhiều bạn bè khác lập tức gom góp, ủng hộ và kêu gọi trên Facebook được hơn 20 triệu đồng cùng nhu yếu phẩm gửi tặng bà con vùng lũ. Là hộ buôn bán nhỏ, nhưng anh chấp nhận tạm gác lại việc nhà, vợ chồng anh đi cùng đoàn xe cứu trợ ra miền Trung để hỗ trợ trao quà, kịp thời tiếp tế lương thực cho bà con.

Đại đức Thích Minh Đăng (bìa phải) tặng quà cho đồng bào vùng lũ tỉnh Thừa Thiên - Huế.  							(Ảnh do nhân vật cung cấp)
Đại đức Thích Minh Đăng (bìa phải) tặng quà cho đồng bào vùng lũ tỉnh Thừa Thiên - Huế. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Cùng chung tay với cộng đồng, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn huyện cũng chủ động kêu gọi những tấm lòng nhân ái hướng về đồng bào vùng lũ lụt. Đại đức Thích Minh Đăng, trụ trì chùa Hoa Nghiêm (thị trấn Quảng Phú) hiện đang chuẩn bị lên đường ra miền Trung cứu trợ đợt hai. Lần này, nhà chùa sẽ hướng đến tặng sách, vở, cặp sách, giày dép, quần áo nhằm hỗ trợ, động viên các em học sinh đến trường sau lũ. Trước đó, vào cuối tháng 10, nhà chùa đã vận động phật tử, nhà hảo tâm và phối hợp với một số chùa khác quyên góp được hơn 700 triệu đồng, 10 tấn rau củ quả và chế biến 1.500 hộp muối sả để làm thành 1.500 suất quà… tặng bà con các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam. Đại đức Thích Minh Đăng chia sẻ, những phần quà là “của ít lòng nhiều” không thấm vào đâu so với mất mát mà người dân ở miền Trung đang phải gánh chịu, nhà chùa cũng như phật tử, nhà hảo tâm chỉ mong mang niềm an ủi, động viên đến bà con.

Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Cư M’gar, gần một tháng qua, nhân dân trên địa bàn đã ủng hộ gần 5.000 phần quà, gồm gạo, sữa, nhu yếu phẩm... với tổng trị giá hơn 1,75 tỷ đồng gửi về đồng bào miền Trung và đang tiếp tục quyên góp ủng hộ cho đợt tới. Tình yêu thương, nghĩa đồng bào đang được lan tỏa và lay động đến nhiều tầng lớp nhân dân ở địa phương.

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.