Nhọc nhằn nghề công nhân vệ sinh
Tính đến nay, chị Lương Thị Hiệp (36 tuổi), công nhân Công ty TNHH Môi trường và Đô thị Đức Tài (huyện Krông Pắc) đã làm công việc quét rác được 18 năm. Hằng ngày, chị phải thức dậy từ 3 giờ rưỡi sáng.
Chuẩn bị xong đâu đấy, khoảng 4 giờ, chị đến chỗ làm đã được phân tuyến (dọc tuyến đường Giải Phóng, thị trấn Phước An). “Công việc buổi sáng của tôi là quét rác dọc tuyến đường. Đến khoảng hơn 9 rưỡi là xong. Về đến nhà lại lo cơm nước cho chồng, con rồi tranh thủ đi chợ, làm việc nhà”, chị Hiệp kể. Làm nghề quét rác, chị Hiệp và các đồng nghiệp phải quen với những khổ cực vì suốt ngày làm dưới nắng mưa, gió bão, chịu ảnh hưởng trực tiếp của khói bụi và khắc nghiệt của thời tiết, phải tiếp xúc với mùi hôi thối, các chất độc hại từ rác thải.
Chị Lương Thị Hiệp (bên phải) và đồng nghiệp quét dọn đường phố. |
Là công nhân vệ sinh Công ty TNHH Môi trường Đông Phương, chị Cao Thị Thủy (46 tuổi, ở phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) luôn tâm niệm công việc của chị là phải quét hết rác chứ không phải làm hết giờ. Mỗi ngày, chị dậy từ 4 giờ sáng, quét rác gần 1 km dọc đường và thu gom rác thải của khoảng 250 hộ dọc tuyến. Công việc quét rác tưởng đơn giản nhưng rất vất vả, thậm chí nguy hiểm. Không ít lần chị bị sắt thép hay thủy tinh trong bịch rác đâm vào tay chảy máu, thậm chí có lần vật trong bịch rác phát nổ. Chị Thủy kể, đồng nghiệp của chị là chị Ngô Thị Minh (nhà ở đường Nguyễn Văn Cừ) cách đây 7 năm, trong một lần quét rác đã bị xe tải tông, giờ phải ngồi xe lăn. Do hoàn cảnh khó khăn, chồng bị bệnh xơ gan chạy chữa đã 10 năm nay nên ngoài làm công nhân vệ sinh, chị Thủy còn làm thêm nghề rửa xe máy để có tiền thuốc men cho chồng và nuôi hai con ăn học.
Làm công việc dọn nhà vệ sinh công cộng tại bến xe buýt ngã ba Ea Kao từ nhiều năm nay, hằng ngày chị Trần Thị Vóc (44 tuổi, Công ty cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk) gặp phải không biết bao nhiêu trường hợp “dở khóc dở cười” vì ý thức kém của người sử dụng nhà vệ sinh. Mỗi ca chị Vóc phải làm 8 tiếng, từ 13 giờ chiều đến 20 giờ tối. Chị cho biết, một ngày người đi lên xuống xe buýt rất nhiều, đa phần là khách vãng lai, họ cứ đến rồi sử dụng nhà vệ sinh, có khi quên trả tiền. Nhiều người ý thức kém dội nước thì làm tràn lan ra cả sàn nhà; hoặc vứt giấy lung tung rơi vãi ra cả nền. Nắng thì mùi hôi, mưa xuống thì nhếch nhác là cảnh mà chị phải chịu đựng khi dọn dẹp. Theo lời chị Vóc, nếu như mỗi người có ý thức chung trong việc giữ gìn sạch sẽ nơi vệ sinh công cộng như xả nước, để rác thải đúng nơi quy định, không đi giày dép bẩn lên bồn cầu thì chắc chắn nhà vệ sinh sẽ sạch sẽ rất nhiều.
Chị Trần Thị Vóc trong ca làm việc. |
Để có thêm thu nhập bảo đảm trang trải cuộc sống gia đình, chị Vóc còn nhận làm công việc dọn nhà cho những gia đình có nhu cầu. Chồng chị cũng làm nghề cắt tỉa cây xanh, vợ chồng chị làm theo ca, thường đi sớm về khuya. Vất vả là vậy song chị rất hạnh phúc khi kể về gia đình, các con: “Con trai đầu của tôi đang học Đại học Phòng cháy chữa cháy tại Hà Nội; cậu em thì học lớp trung cấp nghề. Các con đều chăm ngoan và hiếu học, là động lực to lớn để vợ chồng tôi vượt qua khó khăn trong cuộc sống”.
Đoàn Dũng
Ý kiến bạn đọc