Multimedia Đọc Báo in

Thêm nguồn lực hỗ trợ phụ nữ vùng biên

09:07, 08/11/2020

Với sự hỗ trợ thiết thực từ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, nhiều phụ nữ nghèo ở các xã vùng biên giới đã chủ động vươn lên vượt khó, xây dựng kinh tế, ổn định cuộc sống, góp sức bảo vệ vững chắc vùng biên giới.

Thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động, Hội LHPN tỉnh phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã cụ thể hóa các nội dung, chương trình phù hợp với tình hình, đặc điểm, điều kiện của tỉnh; triển khai, tổ chức thực hiện trong các cấp Hội “Kế hoạch hỗ trợ phụ nữ nghèo làm chủ hộ ở các xã biên giới phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020” (gọi tắt là mô hình 1+6). Đến nay, chương trình đã vận động được các nguồn hỗ trợ trị giá hơn 7,3 tỷ đồng, giúp nhiều phụ nữ khó khăn có thêm nguồn lực phát triển kinh tế gia đình.

Chị Nông Thị Tăng chăm sóc cây ăn trái của gia đình. Ảnh: M.Sao
Chị Nông Thị Tăng chăm sóc cây ăn trái của gia đình. 
Trong 3 năm thực hiện, Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương đã giúp 165 hộ phụ nữ làm chủ hộ trên địa bàn 4 xã biên giới của tỉnh thoát nghèo.

Đơn cử như chị Hoàng Thị Thoa, dân tộc Mường, thuộc Chi hội Phụ nữ buôn Ea Mar (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn). Gia đình chị Thoa vốn là hộ nghèo, thiếu đất sản xuất, vợ chồng chị đều không có việc làm ổn định; bản thân chị bị đau ốm, con nhỏ, cuộc sống rất khó khăn. Đầu năm 2019, được tổ chức Hội phụ nữ hỗ trợ 10 triệu đồng, chị đã tính toán sử dụng sao cho hợp lý. Cụ thể, tận dụng đất xung quanh vườn để đào ao nuôi cá, dùng 5 triệu đồng mua cá giống, 2 triệu đồng mua thức ăn cho cá, bổ sung thêm những loại lá, rau trong vườn. Số tiền còn lại, chị đầu tư nuôi gà ta, vịt và trồng thêm ít rau trên diện tích đất vườn. Chăn nuôi hiệu quả, sau một năm, gia đình chị Thoa đã có khoản lợi nhuận 20 triệu đồng, dùng vốn này đầu tư mở rộng chuồng nuôi gà đẻ, mỗi ngày thu được từ 15 - 20 quả trứng để bán. Nhờ vậy, bản thân chị có thêm tiền chữa bệnh, chăm lo các con ăn học.

Chị Thoa tâm sự: “Trước đây do không có vốn để phát triển sản xuất, nhiều gia đình phụ nữ trong xã chủ yếu trồng cây ngắn ngày và chỉ đủ phục vụ nhu cầu của gia đình nếu mưa thuận, gió hòa. Từ khi được chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” hỗ trợ, nhiều hộ đã có được nguồn sinh kế lâu dài, như gia đình tôi đã thoát nghèo”.

Chị Nông Thị Tăng (thôn 1, xã Ia R'vê, huyện Ea Súp) cũng là một trong những phụ nữ làm kinh tế giỏi, thoát nghèo hiệu quả. Gắn bó với vùng đất biên cương này hơn 15 năm, gia đình chị Tăng dù chăm chỉ làm lụng nhưng vẫn chưa thoát nghèo. Tuy có đất đai để trồng cây ăn trái, hoa màu… nhưng một phần do thời tiết khắc nghiệt, lại không có điều kiện để cải tạo đất, chăm sóc cây trồng nên thu nhập rất bấp bênh. Năm 2018, thông qua chương trình, gia đình chị được vay 20 triệu đồng của Hội LHPN tỉnh và nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để mua phân bón, đầu tư chăm sóc 2 ha cây ăn trái; lắp đặt hệ thống tưới nước và mua thêm đất trồng ngô, lúa.  Cây trồng được chăm sóc cho năng suất, chất lượng tốt, bán được giá, đến nay gia đình chị đã thoát nghèo, mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, một trong những khó khăn khi thực hiện chương trình tại các xã vùng biên là điều kiện thổ nhưỡng, môi trường ở đây khá khắc nghiệt nên khó phát triển hiệu quả mô hình sinh kế cho các hội viên. Bên cạnh đó, ở các xã biên giới, hội viên, phụ nữ đa số là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, nhận thức hạn chế, có một số hộ chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo, còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhu cầu cần được giúp đỡ của các hội viên, phụ nữ còn nhiều, thế nhưng khả năng vận động nguồn lực của các cấp Hội còn hạn chế, chưa thực sự huy động các lực lượng xã hội vào cuộc mà chỉ tập trung chủ yếu  trong hội viên phụ nữ. Vì vậy, những hội viên được hỗ trợ và tận dụng nguồn lực này để phát triển kinh tế và thoát nghèo như chị Tăng, chị Thoa rất đáng trân trọng. Bởi đó là sự nỗ lực của bản thân mỗi cá nhân, từ sự chăm chỉ làm việc đến tư tưởng nhận thức muốn thoát nghèo. 

Hội LHPN xã Ea Bung (huyện Ea Súp) phối hợp cùng cán bộ chiến sĩ phụ trách địa bàn làm các dụng cụ hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19.   Ảnh: M.Sao
Hội LHPN xã Ea Bung (huyện Ea Súp) phối hợp cùng cán bộ chiến sĩ phụ trách địa bàn làm các dụng cụ hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19. 

Ngoài việc hỗ trợ phát triển kinh tế, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh còn bám sát chỉ đạo, định hướng của Trung ương Hội LHPN Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng tỉnh trong triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giúp đỡ nhân dân nói chung, phụ nữ các xã biên giới nói riêng; tiếp thêm động lực để giúp họ nỗ lực vươn lên trong điều kiện khó khăn của địa bàn biên giới, càng ý thức hơn trách nhiệm gắn bó, xây dựng mảnh đất vùng biên giới ngày càng vững mạnh.

Mai Sao

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.