Multimedia Đọc Báo in

Ấm áp những Mái ấm công đoàn

07:22, 22/12/2020

Chuẩn bị đón năm mới ai cũng mong chờ nhiều niềm vui, hạnh phúc và hơn ai hết, những người lao động ở huyện Buôn Đôn được hỗ trợ xây dựng nhà Mái ấm công đoàn trong năm 2020 càng vui mừng hơn khi những căn nhà ấm áp tình người ấy đã trở thành điểm tựa vững chắc giúp họ tiếp tục vươn lên tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, yên tâm công tác hoàn thành tốt nhiệm vụ, gắn bó với đơn vị.

Tháng 10 vừa qua, gia đình anh Lò Văn Tha, đoàn viên Công đoàn cơ sở xã Ea Wer phấn khởi dọn về nhà Mái ấm công đoàn do Liên đoàn lao động  (LĐLĐ) huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng. Anh Tha công tác tại Ban Chỉ huy quân sự xã Ea Wer. Năm 2008, anh Tha lập gia đình, nhưng do không đủ tiền, nên mượn đất của anh trai cất ngôi nhà tạm để ở.

Anh Tha tâm sự: “Vợ chồng tôi làm lụng vất vả hy vọng đủ tiền mua một mảnh đất nhỏ, xây dựng căn nhà khang trang, nhưng thu nhập bình quân mỗi tháng của hai vợ chồng chỉ hơn 5 triệu đồng nên chưa dám nghĩ đến. Tháng 4-2020, nhận thông báo vợ chồng tôi được Công đoàn cấp trên hỗ trợ xây nhà Mái ấm Công đoàn, gia đình tôi vỡ òa hạnh phúc”. Căn nhà mới rộng 50 m2, tổng kinh phí gần 100 triệu đồng; trong đó LĐLĐ huyện hỗ trợ 30 triệu đồng từ nguồn Quỹ Mái ấm Công đoàn, số tiền còn lại gia đình tích cóp, vay mượn.

 Liên đoàn lao động huyện Buôn Đôn bàn giao nhà Mái ấm Công đoàn cho chị Bùi Thị Hà, đoàn viên Công đoàn cơ sở Trường THCS Trần Quang Diệu (xã Ea Bar).
Liên đoàn lao động huyện Buôn Đôn bàn giao nhà Mái ấm Công đoàn cho chị Bùi Thị Hà, đoàn viên Công đoàn cơ sở Trường THCS Trần Quang Diệu (xã Ea Bar).

Cùng chung niềm vui, sau 12 năm ở tập thể, tháng 11-2020, gia đình chị Bùi Thị Hà, đoàn viên Công đoàn Trường THCS Trần Quang Diệu (xã Ea Bar) dọn về nhà mới. Căn nhà Mái ấm công đoàn được xây dựng hơn 200 triệu đồng, rộng 60 m2, trong đó LĐLĐ huyện hỗ trợ 30 triệu đồng. Vợ chồng chị Hà đều là công nhân viên chức; chị Hà thường xuyên đau ốm phải đi TP. Hồ Chí Minh kiểm tra sức khỏe khiến kinh tế gia đình thiếu trước hụt sau. “Những năm trước, mỗi khi nghe đồng nghiệp chia sẻ chuyện trang trí nhà cửa, sắm sửa tết nhất tôi có chút chạnh lòng. Tết năm nay, chắc chắn sẽ là cái Tết đáng nhớ, ý nghĩa nhất với cả nhà”, chị Hà hồ hởi.

 

Số tiền hỗ trợ tuy chưa nhiều so với giá trị xây dựng nhà Mái ấm công đoàn, nhưng đó là nguồn động lực giúp đoàn viên công đoàn chưa có nhà ở ổn định quyết tâm hơn để làm nhà mới, đảm bảo cho cuộc sống lâu dài, nỗ lực vươn lên trong công tác và cuộc sống”.

Ông Nguyễn Cao Cường, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Buôn Đôn

 

Ông Nguyễn Cao Cường, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện cho biết, toàn huyện có 2.069 đoàn viên, sinh hoạt tại 53 Công đoàn cơ sở khối cơ quan hành chính sự nghiệp và 2 Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước; mức thu nhập bình quân 5,2 triệu đồng/người/tháng. Thực hiện chương trình “Mái ấm Công đoàn”, từ năm 2017 đến nay, LĐLĐ huyện đã vận động công nhân, viên chức, lao động đóng góp trên 300 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 12 căn nhà trị giá 340 triệu đồng, trong đó LĐLĐ tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng. Từ nguồn quỹ thu được hằng năm, LĐLĐ huyện đã tiến hành rà soát các trường hợp đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, chưa có nhà ở ổn định để hỗ trợ; góp phần xóa nhà tạm, nhà dột, góp phần hiện thực hóa ước mơ an cư, lạc nghiệp của đoàn viên.

Không chỉ hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở, LĐLĐ huyện còn tín chấp cho 6 đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn vay 180 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện theo Chương trình mục tiêu quốc gia về vốn vay hỗ trợ việc làm trong công nhân, viên chức, lao động để phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, các Công đoàn cơ sở trong huyện đang duy trì, phát triển Quỹ tự nguyện “Đoàn kết tương trợ” với số tiền gần 800 triệu đồng, hằng năm cho trên 200 đoàn viên công đoàn vay để phát triển kinh tế, trang trải cuộc sống.

Hoàng Ân

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.