Làm tranh giấy xoắn bằng cả trái tim
Từ 3 năm qua, cơ sở làm tranh giấy xoắn của chị Lê Thị Mùi ở thôn Phước Hòa 1, xã Ea Kuăng (huyện Krông Pắc) là địa điểm thu hút nhiều bạn trẻ yêu nghệ thuật tranh giấy xoắn.
Chị Lê Thị Mùi quê ở Gia Lâm (Hà Nội), lớn lên ở Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng), sau khi tốt nghiệp đại học năm 2012, chị đi làm ở nhiều công ty khác nhau. Năm 2017, sau khi kết hôn và về lập nghiệp tại xã Ea Kuăng (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) thì chị "bén duyên" với nghề làm tranh giấy xoắn. Tuy không được học về mỹ thuật nhưng với niềm đam mê về nghệ thuật từ nhỏ đã giúp chị tự tin và quyết tâm khởi nghiệp từ những tác phẩm tranh giấy đầy sắc màu này.
Tranh giấy xoắn là một loại hình nghệ thuật dùng các loại giấy nhiều màu sắc cuốn lại và nắn tạo hình; sau đó dán lên các bề mặt, vật liệu khác nhau nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị nghệ thuật. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng rất cần sự tỉ mỉ, khéo tay của những người thợ làm tranh. Nghệ thuật tranh giấy xoắn đã có mặt trên thế giới từ rất lâu nhưng ở Việt Nam thì còn khá mới mẻ và chưa được phổ biến; hầu như chỉ dành cho những ai thực sự yêu thích.
Chị Lê Thị Mùi giới thiệu sản phẩm tại Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2020. |
Trong quá trình khởi nghiệp, được sự động viên và giúp đỡ của các cấp hội phụ nữ huyện Krông Pắc, chị Mùi đã dạy nghề cho 3 em khuyết tật: một em bị câm điếc bẩm sinh, hai em bị bệnh down; ngoài ra dạy thêm cho một chị có hoàn cảnh khó khăn, chạy thận hơn 10 năm. Đến nay, cơ sở của chị Mùi đã dạy nghề và tạo việc làm cho gần 20 chị em. Chị Võ Thị Huyền ở thôn Phước Lộc 3, xã Ea Phê (huyện Krông Pắc) chia sẻ: "Bản thân phải chạy thận 10 năm nay, sức khỏe yếu nên không làm được nhiều việc nặng. Được Hội Phụ nữ xã giới thiệu đến học nghề làm tranh giấy xoắn, tôi thấy công việc này rất phù hợp với mình. Không chỉ có thêm thu nhập, nhìn những sản phẩm do mình làm ra khiến tôi vui và cảm thấy khỏe hơn".
Cơ sở làm tranh giấy xoắn của chị Mùi làm rất nhiều loại tranh, từ tranh phong cảnh, chân dung đến cả những tranh chữ. Chị Mùi chia sẻ: "Từ những sợi giấy dán đơn thuần, để tạo ra những bức tranh đẹp, có hồn, tự nhiên thì cần lựa chọn những màu sắc phù hợp, uốn hình, tạo đường nét cong, thẳng mềm mại". Sản phẩm của cơ sở được trưng bày tại một số siêu thị và khu du lịch ở tỉnh Bình Định và TP. Đà Lạt.
Cơ sở làm tranh giấy xoắn của chị Lê Thị Mùi. |
Được sự giới thiệu của Hội Phụ nữ xã, Hội Phụ nữ huyện, chị Mùi tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2020. Chị H'Yer Knul, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Krông Pắc cho biết: "Mô hình khởi nghiệp từ tranh giấy xoắn Lê Thị Mùi mang tính nhân văn cao, ngoài các hội viên, phụ nữ trên địa bàn, cơ sở còn tạo việc làm cho một số người có hoàn cảnh khó khăn, bị khuyết tật tại địa phương. Hội cũng đã xin ý kiến UBND huyện để từng bước xây dựng, hỗ trợ không gian, địa điểm mở rộng mô hình này, đặc biệt hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm".
Tuy thu nhập của những người thợ chưa cao, song đó cũng là niềm vui, nhất là với những hoàn cảnh kém may mắn; là động lực để chị Mùi cố gắng từng ngày viết nên những câu chuyện đẹp về tình yêu cuộc sống.
Tại Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2020 vừa qua, dự án “Nghệ thuật tranh giấy xoắn” của chị Lê Thị Mùi đã giành được giải Nhì; đặc biệt dự án đã được hai vị giám khảo hỗ trợ 100 triệu đồng để mở rộng và phát triển thêm mô hình tranh giấy xoắn tại địa phương. |
Hoàng Thịnh
Ý kiến bạn đọc