Multimedia Đọc Báo in

Lao động nông thôn huyện Krông Năng: Liên kết tự tạo việc làm sau học nghề

05:49, 10/12/2020

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu của lao động nông thôn và điều kiện kinh tế - xã hội địa phương đã giúp huyện Krông Năng giải quyết được bài toán “đầu ra” sau đào tạo.

Sau khi học xong lớp xây dựng dân dụng ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Krông Năng, anh Y Am Mlô ở buôn M’ngoan (xã Ea Hồ) đã liên kết với 4 học viên khác cùng thành lập tổ xây dựng và nhận thầu các công trình xây dựng trên địa bàn với mức thu nhập trung bình 300.000 đồng/người/ngày. Anh Y Am cho hay, trước đây chưa có chứng chỉ nghề, anh chỉ đi phụ hồ, công việc vất vả, thu nhập thấp. Nhờ có nghề trong tay và mạnh dạn liên kết, tự tạo việc làm đã giúp anh và nhiều học viên khác nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Cán bộ Trung tâm GDNN-GDTX huyện Krông Năng (bên trái) khảo sát tình hình việc làm của học viên  sau khi học nghề may.
Cán bộ Trung tâm GDNN-GDTX huyện Krông Năng (bên trái) khảo sát tình hình việc làm của học viên sau khi học nghề may.

Nắm bắt nhu cầu của người dân trên địa bàn, các lao động nữ của xã Ea Tam đã đăng ký học nghề may tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Krông Năng. Kết thúc khóa học, 6 học viên người dân tộc Nùng đã chung tay mở một xưởng may ở thôn Tam Lập, nhận may đồ cho người dân và đồng phục cho học sinh, nhờ đó có mức thu nhập trung bình 4 triệu đồng/người/tháng, không còn “thất nghiệp” khi gieo trồng xong mùa vụ.

Không chỉ các nghề phi nông nghiệp mà Trung tâm GDNN-GDTX huyện Krông Năng còn chú trọng “cầm tay chỉ việc” đối với những nghề nông nghiệp để nông dân có thể “hành nghề” trên chính vườn cây của mình. Đơn cử như lớp dạy nghề kỹ thuật trồng và chăm sóc tiêu được mở ngay tại địa bàn thôn Tam Lập, xã Ea Tam với sự tham gia của 40 học viên người dân tộc thiểu số. Anh Hoàng Văn Thức, học viên của lớp cho hay, những năm gần đây xã Ea Tam phát triển mạnh cây tiêu nhưng nông dân chủ yếu trồng và chăm sóc theo kinh nghiệm nên rất bấp bênh. Qua lớp học nghề, các học viên đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, tưới nước, bón phân hợp lý, tiết kiệm, biết “bắt bệnh” để chủ động phòng ngừa cho cây.

Qua tìm hiểu được biết, hằng năm, căn cứ chỉ tiêu lớp đào tạo nghề được phân bổ, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Krông Năng phối hợp với các xã, thị trấn trên địa bàn rà soát, nắm bắt nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; xác định đối tượng, địa bàn cần tuyển sinh đào tạo; tuyên truyền các chính sách dạy nghề, kế hoạch đào tạo nghề của các cấp; thông tin nhu cầu lao động của một số nghề xã hội đang cần, tình hình sản xuất, năng suất, chất lượng một số cây trồng, vật nuôi để học viên xác định rõ nhu cầu, lựa chọn ngành nghề theo học.

Lao động nữ nông thôn xã Ea Tam (huyện Krông Năng) tự liên kết tạo việc làm sau khi học nghề may tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Krông Năng.
Lao động nữ nông thôn xã Ea Tam (huyện Krông Năng) tự liên kết tạo việc làm sau khi học nghề may tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Krông Năng.

Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tham gia đầy đủ quá trình đào tạo, từ năm 2013 đến nay, Trung tâm đã linh động “đưa nghề về thôn, buôn” giúp bà con có thể vừa học, vừa làm. Trong quá trình giảng dạy, tùy theo khả năng tiếp thu của từng đối tượng, Trung tâm sẽ biên soạn, điều chỉnh giáo trình phù hợp với khả năng tiếp thu của họ, đồng thời chủ động mời thêm những giáo viên, nghệ nhân có trình độ, kinh nghiệm thực tế nhằm giúp nông dân nắm vững nghề được học.

Nhờ thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, linh động trong quá trình triển khai thực hiện, gắn đào tạo nghề với định hướng việc làm sau đào tạo đã giúp huyện Krông Năng giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tận dụng, khai thác tiềm năng của từng vùng để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Theo ông Ngô Đức Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Krông Năng, ngoài nguồn kinh phí được cấp, trung bình mỗi năm, UBND huyện hỗ trợ 300 triệu đồng từ ngân sách địa phương để Trung tâm tổ chức thêm 2 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, sắp tới Trung tâm sẽ tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực dạy nghề, bổ sung chương trình, giáo trình sát với nhu cầu người học. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, quản lý lĩnh vực dạy nghề, bảo đảm cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhu cầu thị trường lao động và tiềm lực của địa phương.

Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Krông Năng đã tổ chức được 49 lớp dạy nghề cho 1.755 lao động nông thôn. Sau học nghề, nhiều lao động biết vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hoặc tự tạo việc làm mới, tăng thu nhập, ổn định kinh tế gia đình.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.