Multimedia Đọc Báo in

Người dân "đồng hành" giữ rừng đặc dụng Nam Ka

16:58, 29/12/2020

Trong thời gian qua, Ban quản lý (BQL) rừng đặc dụng Nam Ka đã làm tốt công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng và thực hiện có hiệu quả các chính sách từ Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững góp phần cải thiện đời sống cho một bộ phận người dân sống gần rừng, đồng thời huy động thêm sức dân để quản lý bảo vệ (QLBV) diện tích rừng được giao.

 

BQL rừng đặc dụng Nam Ka được giao QLBV 20.394,4 ha rừng tự nhiên thuộc phạm vi hành chính của 6 xã của huyện Lắk và Krông Ana.

 

Với diện tích rộng, nằm tiếp giáp với nhiều khu dân cư nên công tác QLBV rừng của đơn vị gặp  nhiều khó khăn, thách thức như: các đối tượng phá rừng và khai thác lâm sản trái phép ngày càng tinh vi manh động; đồng bào dân tộc thiểu số đời sống còn nhiều khó khăn nên thường vào rừng khai thác lâm sản trái phép để kiếm thêm thu nhập; phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để làm nương rẫy… Trong khi đó, địa hình rừng núi phức tạp, lực lượng đơn vị mỏng, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác QLBV rừng còn thiếu và thô sơ càng khiến công tác QLBV rừng càng khó khăn hơn.

 

Nhờ
Nhờ nguồn vốn Hỗ trợ thôn buôn vùng đệm thuộc Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020 nhiều thôn, buôn vùng đệm Rừng đặc dụng Nam Ka đã lắp đặt được hệ thống chiếu sáng đường giao thôn nông thôn.

 

Trước tình hình đó, trong thời gian qua, BQL rừng đặc dụng Nam Ka đã thông qua các chính sách giao khoán rừng từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng, nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 để huy động người dân cùng chung sức bảo vệ rừng.

 

Đến thời điểm hiện tại, đã có 715 hộ dân (đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số) thuộc các xã Buôn Tría, Buôn Triết, Đắk Nuê, Nam Ka, Ea R’Bin (huyện Lắk) và xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) nhận khoán QLBV rừng với đơn vị.

 

Khi tham gia vào công tác bảo vệ rừng, người dân vùng đệm đã có thêm một nguồn thu nhập đáng kể. Chỉ tính riêng từ năm 2018 đến nay, số tiền dịch vụ môi trường rừng chi trả cho người dân nhận khoán là 11,2 tỷ đồng; số tiền Chương trình lâm nghiệp phát triển bền vững là 2,2 tỷ đồng. Tính bình quân mỗi năm, một hộ dân nhận khoán QLBV rừng ở đây được chi trả khoảng 5,5 triệu đồng.

 

Dù nguồn thu từ tham gia bảo vệ rừng chưa cao, nhưng so với hộ dân sống ở những vùng gần rừng cuộc sống còn nhiều khó khăn thì đây là nguồn thu nhập quan trọng giúp họ cải thiện đời sống. "Tham gia bảo vệ rừng với BQL rừng đặc dụng Nam Ka cũng không có gì vất vả lắm, khi nào đơn vị này yêu cầu thì cắt cử người trong nhóm đi cùng để tuần tra, phát hiện và xử lý các hành vi gây ảnh hưởng đến rừng”, ông Y Lú Buôn Yă, Buôn trưởng Buôn Tung 3, xã Buôn Triết, huyện Lắk tâm sự.

 

Cùng với đó, từ nguồn kinh phí hỗ trợ thôn, buôn vùng đệm thuộc Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020 với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn, buôn, BQL rừng đặc dụng Nam Ka tổ chức họp dân, lấy ý kiến của nhân dân các thôn, buôn được hưởng lợi để thống nhất sử dụng số tiền này vào mục đích nào cho phù hợp. Qua đó, đã thống nhất sử dụng số tiền này để lắp hệ thống chiếu sáng đường nông thôn bằng bóng năng lượng mặt trời. Mỗi thôn, buôn được lắp 25 bóng năng lượng mặt trời. Đến nay đã có 20 thôn buôn, được lắp đặt hệ thống chiếu sáng.

 

Với sự đồng hành của người dân trong công tác QLBV rừng, trong năm 2020, BQL rừng đặc dụng Nam Kar đã tiến hành 1.202 chuyến tuần tra QLBV rừng. Qua đó phát hiện, xử lý 19 vụ khai thác, vận chuyển, cất giấu lâm sản, đưa phương tiện cơ giới vào rừng trái phép với tổng khối lượng lâm sản thiệt hại 13,85 m3 gỗ; 15 vụ lấn chiếm, phá rừng trái pháp luật.

 

Ông Lương Hữu Thạnh, Giám đốc BQL rừng đặc dụng Nam Ka cho biết, từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước cùng với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp đơn vị “kéo” thêm hàng trăm người người dân vào để hợp sức bảo vệ rừng, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm lâm luật. Từ đây, mối quan hệ giữa người dân vùng giáp ranh với đơn vị trở nên khăng khít hơn. Các cộng đồng dân cư vùng đệm dần trở thành những “vệ tinh” giúp đơn vị thu thập thông tin, nắm bắt tình hình để có thể đưa ra những phương án phù hợp, kịp thời nhằm QLBV rừng hiệu quả hơn.

Vạn Tiếp

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.