Multimedia Đọc Báo in

Những con đường ghi dấu cựu chiến binh

08:28, 23/12/2020

Phong trào “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có sự hưởng ứng tích cực của Hội Cựu chiến binh (CCB) thành phố, nổi bật là việc làm đường giao thông.

Hội CCB TP. Buôn Ma Thuột hiện có 28 cơ sở hội trực thuộc với gần 8.000 hội viên. Từ năm 2016 đến nay, Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên đóng góp 1.829 ngày công, hiến 1.420 m2 đất, phá dỡ hơn 1.000 m tường rào, cây cối, hoa màu cùng với sự đóng góp của nhân dân làm 14.875 m đường bê tông, 1 cây cầu với tổng số tiền 4,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hội CCB thành phố còn vận động nhân dân đóng góp xây dựng 11 hội trường thôn, buôn, nạo vét 430 m kênh mương. Các cơ sở hội đã đảm nhận trồng, chăm sóc, giữ gìn cảnh quan 9 con đường, góp phần cùng thành phố hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới năm 2018 và tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Cựu chiến binh Phan Đức Cường (bìa phải) cùng các cán bộ Hội CCB xã Ea Tu đi vận động hội viên,  người dân thôn 12 hiến đất mở rộng đường giao thông.
Cựu chiến binh Phan Đức Cường (bìa phải) cùng các cán bộ Hội CCB xã Ea Tu đi vận động hội viên, người dân thôn 12 hiến đất mở rộng đường giao thông.

Việc xây dựng đường giao thông ghi dấu ấn đậm nét của Hội CCB. Tiêu biểu như ông Phan Đức Cường (72 tuổi), Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn 12, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Ea Tu. Mới đây ông Cường đã góp phần tích cực vào việc mở rộng con đường liên thôn 12 và buôn Ko Tam.

Ông Cường chia sẻ: "Theo dự án của thành phố, con đường này được quy hoạch rộng 10 m nhưng trên thực tế chỉ hơn 5 m. Đây là dự án quy hoạch của thành phố nên xã không có chủ trương hỗ trợ đổ bê tông. Khi xã Ea Tu đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao, phát huy vai trò của một đảng viên, cựu chiến binh, người cao tuổi, tôi tự nhận thấy mình cần đóng góp một phần cùng chính quyền địa phương hoàn thành mục tiêu này”.

Một mặt, ông đề xuất với cấp ủy, chi bộ phối hợp cùng UBND, các đoàn thể của xã tuyên truyền, vận động nhân dân, giải thích rõ chủ trương mở rộng đường và tham gia vào quá trình đo đạc, cắm mốc. Bên cạnh tổ chức họp toàn thể các hộ dân hai bên đường, ông Cường cùng cấp ủy, ban tự quản đến tận nhà những hộ còn lấn cấn để đả thông tư tưởng cho người dân; vận động mạnh thường quân ủng hộ đá để cứng hóa tuyến đường.

Mặt khác, để làm gương, ông tự nguyện phá bỏ cổng, chặt 50 trụ tiêu đang trong thời kỳ thu hoạch để di dời hàng rào có chiều dài 64 m vào thêm 2 m . Cách làm đó đã tạo được sự đồng thuận, 30 hộ dân đã tự nguyện di dời hàng rào, nhổ bỏ cây cối, đóng góp tiền để san ủi mặt bằng, mở rộng con đường lên 10 m.

Không chỉ tại xã Ea Tu, nhiều CCB ở các xã, phường trên địa bàn thành phố cũng tích cực đi đầu trong xây dựng nông thôn mới. Có thể kể đến trường hợp của CCB Nguyễn Tấn Chính ở thôn 12, xã Hòa Khánh. Ông đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thôn 12 đóng góp được gần 200 triệu đồng để bê tông hóa các đoạn đường của thôn; vận động nhân dân đóng góp tiền và ngày công cùng với nguồn vốn của Nhà nước làm được 2 km đường giao thông. Riêng gia đình ông Chính đã tự nguyện hiến 160 m2 đất và 35 triệu đồng để làm đường. Ông còn vận động người dân trồng hoa, treo cờ và mắc bóng điện chiếu sáng ở hai bên các tuyến đường.

Cán bộ Hội CCB xã Ea Tu tìm hiểu thực tế việc hiến đất mở rộng đường của hội viên CCB buôn Ko Tam.
Cán bộ Hội CCB xã Ea Tu tìm hiểu thực tế việc hiến đất mở rộng đường của hội viên CCB buôn Ko Tam.

Ngoài ra còn nhiều CCB tiêu biểu khác như: CCB Phạm Văn Hùng (chi hội thôn 1, xã Hòa Xuân) tự nguyện đóng góp 70 triệu đồng và nhiều ngày công làm một tuyến đường trong thôn; CCB Hoàng Văn Khải, Đỗ Quý Điển (cùng ở chi hội thôn 4, xã Hòa Xuân) đã chặt bỏ 200 trụ tiêu kinh doanh để hiến 400 m2 đất, trị giá trên 250 triệu đồng để làm đường; CCB Trịnh Hữu Phúc (chi hội thôn 5, xã Hòa Thắng) mặc dù kinh tế còn khó khăn nhưng đã hiến trên 100 m2 đất thổ cư làm đường giao thông...

Chủ tịch Hội CCB TP. Buôn Ma Thuột Nguyễn Xuân Thụ đánh giá: “Mặc dù đã tuổi cao, sức yếu, nhiều người hoàn cảnh còn khó khăn nhưng các CCB trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột luôn gương mẫu đi đầu đóng góp xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Những việc làm bình dị nhưng thiết thực của họ đã trở thành tấm gương sáng trong cộng đồng dân cư”.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.