Multimedia Đọc Báo in

Những kết quả về hỗ trợ phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số

06:23, 30/12/2020

Thời gian qua, việc thực hiện Nghị định số 39-NĐ/CP ngày 27-4-2015 của Chính phủ ban hành quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần cải thiện đời sống và nâng cao chất lượng dân số vùng dân tộc thiểu số.

Trong 5  năm (2015 - 2020), có 14 huyện, thị xã với 121 xã triển khai thực hiện Nghị định số 39-NĐ/CP. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách được triển khai thực hiện với những hình thức phù hợp, giúp đối tượng thụ hưởng nâng cao nhận thức về quyền, nghĩa vụ trong việc thực hiện đúng chính sách dân số.

Đồng thời, công tác rà soát, xác minh đối tượng được hỗ trợ đảm bảo đúng theo quy định, trong đó chú trọng triển khai, ưu tiên nguồn lực tại các xã thuộc vùng có mức sinh cao. Tỉnh cũng đã thành lập 27 đoàn kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm chi đúng, chi đủ, kịp thời cho các đối tượng, đồng thời giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở.

Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã chi trả chế độ cho 1.821 người được thụ hưởng theo Nghị định 39 với số tiền hơn 3,6 tỷ đồng. Việc thực hiện Nghị định số 39 đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dân số, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba, tăng tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ... Theo đánh giá của Bộ Y tế, Đắk Lắk là một trong 16 địa phương thực hiện có hiệu quả nhất Nghị định 39.

Cán bộ dân số xã Cư Pui (huyện Krông Bông) vận động phụ nữ nghèo sinh con đúng chính sách dân số.
Cán bộ dân số xã Cư Pui (huyện Krông Bông) vận động phụ nữ nghèo sinh con đúng chính sách dân số.

Tại huyện Ea Súp, đội ngũ cán bộ cơ sở thường xuyên rà soát địa bàn, nắm bắt đối tượng để thống kê và lập hồ sơ xác minh đối tượng thụ hưởng theo đúng quy định. Giai đoạn 2015 – 2020, toàn huyện có 183 trường hợp sinh con đúng chính sách dân số được nhận hỗ trợ với số tiền 366 triệu đồng. Như gia đình chị Y Duyệt và anh Lương Văn Tiến thuộc diện hộ nghèo ở thôn 11, xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp) sau khi được cán bộ dân số tuyên truyền về chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo sinh con đúng chính sách dân số, anh chị đã quyết định thực hiện kế hoạch hóa gia đình, dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt. Gần nhà chị Y Duyệt còn có vợ chồng chị Vi Thị Loan và anh Hà Minh Thức cũng được hỗ trợ 2 triệu đồng khi sinh con đúng chính sách dân số. Với số tiền nhận được, chị Loan đã dùng để mua sách vở cho các con đi học và sắm thêm một ít đồ gia dụng.

Tại huyện Krông Búk, UBND huyện đã chỉ đạo các xã và ban, ngành, đoàn thể thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động cung cấp thông tin một cách cụ thể, chính xác về Nghị định 39. Các trạm y tế đã phối hợp với cán bộ ngành lao động - thương binh và xã hội, hội phụ nữ, tư pháp xã tổ chức truyền thông, tư vấn, vận động phụ nữ là người dân tộc thiểu số thực hiện tốt chính sách hỗ trợ theo quy định. Bên cạnh đó, cán bộ dân số đã tổ chức hình thức tư vấn nhóm nhỏ tại các địa bàn trọng điểm, các buổi họp nhóm, tư vấn hộ gia đình... để rà soát và thống kê đúng đối tượng. Đến nay, đã có 46 đối tượng được hưởng hỗ trợ 92 triệu đồng đều ký cam kết dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt.

 Phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số nhiều nơi vẫn sinh nhiều con.
Phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số nhiều nơi vẫn sinh nhiều con.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị định 39 vẫn còn nhiều khó khăn. Đắk Lắk vẫn là một trong 33 tỉnh có mức sinh cao của cả nước. Địa hình phức tạp, các thôn, buôn cách xa khu trung tâm, giao thông khó khăn; tư tưởng sinh nhiều con, sinh con trai nối dõi vẫn còn tồn tại đã ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, vận động. Có một số đối tượng đáp ứng đủ các điều kiện được hỗ trợ chính sách nhưng không làm cam kết, không nhận kinh phí hỗ trợ (vì vẫn muốn sinh thêm con). Một số đối tượng tại thời điểm rà soát lập danh sách đề nghị hỗ trợ thì đủ tiêu chuẩn, nhưng khi thẩm định để cấp tiền lại không đủ tiêu chuẩn vì nhiều lý do (không còn là hộ nghèo, đã chuyển sang hộ cận nghèo hoặc thoát nghèo hoặc có thai con thứ ba, chuyển đi huyện khác...). Việc thu hồi kinh phí hỗ trợ ở những trường hợp vi phạm rất khó khăn vì là đối tượng thuộc hộ nghèo nên không có tiền để nộp lại. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh có 47 phụ nữ đã nhận tiền hỗ trợ nhưng lại vi phạm chính sách dân số, trong đó mới có 14 người nộp lại tiền hỗ trợ, còn 33 người (với số tiền 66 triệu đồng) vẫn chưa thể thu hồi.

Võ Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.