Chuyện về công tác bạn đọc
“A lô, xin nhà báo giúp đỡ. Con tôi đang cần máu gấp để được phẫu thuật!”; “Nhà báo ơi! Nhờ nhà báo cử người đến giúp, con tôi bị bạn bè rủ rê bỏ nhà đi bụi rồi!”; “Nhà báo ơi! Ở địa phương tôi lâm tặc đang lộng hành!”…
Đó chỉ là một vài nội dung trong rất nhiều câu chuyện buồn vui mà những người làm công tác bạn đọc Báo Đắk Lắk hằng ngày tiếp nhận được từ đơn thư, điện thoại phản ánh của người dân.
Buồn vui “chuyện bên lề”
Dĩ nhiên, trong công tác xử lý thông tin, chúng tôi luôn ưu tiên chọn lọc, thẩm định, xác minh những nguồn tin hấp dẫn, giá trị, những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội. Thế nhưng, có những vụ việc “gấp gáp” không cần đến quy trình tác nghiệp của nhà báo và cũng chẳng cần đưa thông tin lên mặt báo…
Cách đây không lâu, tôi nhận được cuộc gọi từ một người phụ nữ cầu cứu: “Con tôi đang cần máu gấp để được phẫu thuật”. Chị cho biết nhà ở huyện Đắk Song (Đắk Nông), con chị bị bệnh hiểm nghèo đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Bác sĩ chỉ định cháu cần phải phẫu thuật, song kho dự trữ máu của bệnh viện không còn máu. Trong lúc chị không biết xoay sở thế nào thì có người cho số điện thoại của Báo Đắk Lắk… Ngay lập tức tôi báo tin cho anh Nguyễn Trung Hải, cộng tác viên thân thiết của Báo ở huyện Cư M’gar và cũng là người rất đam mê hoạt động từ thiện xã hội. Ngay chiều hôm đó, anh Hải đã kêu gọi nhóm bạn lên bệnh viện cho máu giúp cháu bé được phẫu thuật. Câu chuyện dẫu nhỏ nhưng cũng khiến chúng tôi cảm thấy "ấm lòng" khi được chung tay giúp đỡ một hoàn cảnh khó khăn...
Các phóng viên Báo Đắk Lắk (bên phải) trao đổi với người dân trong chuyến tác nghiệp tại huyện M'Drắk. Ảnh: Hoàng Gia |
Thực tế công tác cho thấy, trong số những ý kiến phản ánh, đơn thư khiếu nại, tố cáo mà công dân gửi đến tòa soạn (được chúng tôi xem như những nguồn tin ban đầu), không phải thông tin nào cũng đúng. Còn nhớ cách đây vài năm, tòa soạn nhận được đơn của một số hộ dân tố cáo UBND xã C., huyện E. thông đồng với nhà thầu, rút ruột công trình làm đường giao thông nông thôn. Trong đơn có cả chữ ký của trưởng thôn, cán bộ Mặt trận thôn… Vượt quãng đường trên 100 km, tôi tìm về địa phương trên để tìm hiểu sự việc thì mới biết sự thật không phải vậy. Đúng là địa phương mới làm con đường trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng đường là do nhân dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ chứ có doanh nghiệp nào làm đâu mà “thông đồng”, “rút ruột”! Tìm đến ông trưởng thôn và ông cán bộ Mặt trận thì đúng là có tên đó nhưng không phải chữ ký của họ. Ngược lại, chính họ đã vận động nhân dân hiến đất, góp tiền, góp công tham gia làm đường…
Hay như mới đây, có một bạn đọc gọi điện đến Tòa soạn phản ánh một nhà máy ở cụm công nghiệp huyện C. xả khí thải gây ô nhiễm môi trường. Người dân đã phản ánh nhiều lần lên chính quyền địa phương nhưng vẫn không được giải quyết. Bạn đọc này còn cho số điện thoại để liên hệ và hứa sẽ dắt phóng viên đến hiện trường… Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ lại để xác minh thông tin và hẹn gặp thì người này lại từ chối gặp.
Kênh thông tin quý giá
Với mỗi tờ báo, thông tin nhanh nhạy, hấp dẫn luôn là tiêu chí hàng đầu. Điều này đòi hỏi mỗi phóng viên phải xây dựng cho mình những kênh thông tin đáng tin cậy và nhạy bén trong việc xác minh, chọn lọc thông tin… Với tôi, một trong những kênh thông tin vô cùng quý giá đó là từ bạn đọc.
Chuyện đã lâu, nhưng tôi vẫn muốn nhắc lại về ông, một người nông dân ở huyện Ea Súp tên là Phạm Xuân Đài. Hôm đó tôi tiếp bạn đọc tại Tòa soạn thì ông đến, trên tay là hàng chục tấm ảnh lâm tặc cưa xẻ, kéo gỗ trong rừng Cư M’lanh do ông mai phục chụp được. Ông đề nghị phóng viên về địa phương điều tra phản ánh thực trạng lâm tặc hoành hành trong rừng Cư M’lanh.
Phóng viên Báo Đắk Lắk trong một lần xâm nhập điều tra phá rừng trong lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn. Ảnh: V.Cường |
Sau khi ông ra về, ngay lập tức tôi và anh Đình Đối được Tổng Biên tập phân công về Ea Súp… Sau nhiều ngày thâm nhập thực tế, với sự hỗ trợ nhiệt tình của ông Đài, chúng tôi đã có được đầy đủ các chứng cứ khẳng định những gì bạn đọc phản ánh là hoàn toàn chính xác. Ngay sau đó, Báo Đắk Lắk có loạt bài phóng sự điều tra “Xác xơ những cánh rừng Ea Súp”. Vụ việc sau đó đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý kiểm điểm nhiều cán bộ giữ rừng ở đây…
Trên đây chỉ là một trong số hàng trăm đề tài “nóng hổi” mà Báo Đắk Lắk triển khai thực hiện từ nguồn tin của bạn đọc. Còn rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện, những đề tài hay từ những thông tin của bạn đọc mà không thể kể hết.
Nhân dịp Báo Đắk Lắk kỷ niệm 45 năm ngày thành lập, xin được gửi lời tri ân đến bạn đọc, những người đã luôn đặt trọn vẹn niềm tin vào chúng tôi. Chính niềm tin yêu ấy là mục tiêu và động lực để chúng tôi, những người làm Báo Đắk Lắk tiếp tục hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của mình!
Hoàng Minh
Ý kiến bạn đọc