Multimedia Đọc Báo in

Đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu việc làm hậu Covid-19

08:12, 14/01/2021

Hiện nay lực lượng thanh niên trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh có gần 500.000 người. Với thanh niên nông thôn, tỉnh đã chú trọng triển khai có hiệu quả Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhờ được đào tạo nghề, nhiều lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, người khuyết tật ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể áp dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tế công việc, mô hình sản xuất nên năng suất, thu nhập, giá trị tạo ra tăng cao gấp nhiều lần so với trước khi chưa được đào tạo. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm mới và làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập tăng lên đạt trên 82%.

Tuy nhiên, trong năm 2020, đại dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện chính sách việc làm và giải quyết việc làm cho thanh niên toàn tỉnh, nhất là thanh niên đô thị. Dù không chịu tác động trực tiếp từ dịch Covid-19 như ở các địa phương khác nhưng do ngành du lịch bị đình trệ nên một lượng lớn lao động trong ngành này bị ảnh hưởng. Từ chỗ có việc làm ổn định, thu nhập khá, nhiều lao động Đắk Lắk trong ngành du lịch của tỉnh bị thất nghiệp; trong số đó có một số chuyển sang các nghề khác như bán hàng online, bán bảo hiểm, môi giới bất động sản, làm công nhân, về quê làm nông... Không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, khó khăn do đại dịch Covid-19 còn khiến cơ cấu lao động, việc làm của tỉnh bị mất cân đối.

Một lớp dạy nghề may cho lao động nông thôn tại huyện Ea Súp.    Ảnh: Quỳnh Anh
Một lớp dạy nghề may cho lao động nông thôn tại huyện Ea Súp. Ảnh: Quỳnh Anh

Dù đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và khó lường song vẫn có nhiều kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế trong năm 2021. Thiết nghĩ, để chuẩn bị một bước cho lực lượng lao động, việc làm hậu Covid-19, nhất là những chính sách việc làm đối với thanh niên, tỉnh cần có giải pháp cơ cấu lại lao động ngay từ bây giờ. Cụ thể là:

Sau đại dịch Covid-19 ngành du lịch sẽ dần phục hồi và “bùng nổ” trở lại nên cần một lực lượng lao động lớn, nếu không có sự chuẩn bị sẽ khó đáp ứng được ngay lập tức. Vì thế, ngay từ bây giờ tỉnh cần tạo cơ chế cho các doanh nghiệp du lịch tái cơ cấu lại hoạt động, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với đặc thù lĩnh vực du lịch của tỉnh, nhất là nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, mà thanh niên là đối tượng chính.

Năm 2020, nhờ thực thi các hiệp định thương mại quốc tế nên xuất khẩu của Việt Nam nói chung và tỉnh nói riêng tăng lên đáng kể; nhưng để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trong năm 2021 và sau này thì rất cần lực lượng lao động có tay nghề cao. Hiện nay, khoảng 75% lực lượng lao động của cả nước, gần 80% lực lượng lao động của Đắk Lắk vẫn chưa qua đào tạo chuyên môn, kỹ thuật. Do đó, thời gian đến Đắk Lắk cần có chính sách căn cơ tăng cường đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động trong tất cả các ngành, nhất là những ngành có các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, trong đó thanh niên là đối tượng nhạy bén nhất và còn làm việc lâu dài.

Học viên tham gia lớp bồi dưỡng xây dựng phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay tại TP. Buôn Ma Thuột. 										             Ảnh: Thúy Hồng
Học viên tham gia lớp bồi dưỡng xây dựng phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay tại TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Thúy Hồng

Với lực lượng thanh niên nông thôn của tỉnh, mặc dù có việc làm nhưng thu nhập chưa cao, quy mô sản xuất, trình độ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp chất lượng cao, vì vậy việc giáo dục thay đổi tư duy, nhận thức cho đối tượng này cần tiến hành song song với giáo dục nghề nghiệp, đào tạo kỹ thuật.

Hiện nay, một bộ phận thanh niên Đắk Lắk có tâm lý chờ qua Tết Nguyên đán, chờ qua đại dịch mới bắt tay vào việc học tập, đi làm trở lại. Tuy nhiên, đây đang là "thời điểm vàng" cho việc học tập, tự học tập nâng cao trình độ, tay nghề đáp ứng yêu cầu mới về việc làm sau đại dịch Covid-19. Thế nên, các cơ quan chức năng của tỉnh không nên “ngồi chờ” mà cần nắm bắt tâm lý và thời cơ này để hoạch định các chủ trương, chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của tỉnh hậu Covid-19; đồng thời lực lượng lao động thanh niên cũng cần tận dụng cơ hội, thời gian tự học, tự trau dồi thêm kỹ năng mới để phát huy tốt khi thời cơ đến.

Phan Trinh – Khắc Sơn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.