Multimedia Đọc Báo in

"Giữ lửa" với nghề

09:46, 15/01/2021

Làm báo thời nào cũng vậy, để có thể chuyển tải được những thông tin cần thiết, hữu ích cho xã hội, trước hết phải thực sự tâm huyết, trách nhiệm với nghề.

Cách đây gần ba mươi năm, khi  kỹ thuật số còn là một khái niệm xa lạ, các công đoạn làm báo ở Báo Đắk Lắk rất thủ công. Bản thảo viết tay đã mất công, biên tập và vẽ ma-két, xếp chữ, in ấn cũng mất công không kém. Báo ra cách nhật mà nhiều khi vẫn bị động về thời gian. Ngoài nguồn thông tin từ báo giấy chính thống, từ tham khảo tài liệu ở thư viện, phóng viên luôn chủ động, xông xáo đi cơ sở tìm kiếm, thu thập tài liệu viết bài. Phương tiện tác nghiệp thông dụng nhất là cây bút, cuốn sổ, máy ghi âm dùng băng, máy ảnh cơ vừa chụp vừa lên phim, xong phải rửa ảnh ra mới chọn. Phương tiện liên lạc khá hiếm hoi. Cả cơ quan chỉ có 2 chiếc điện thoại bàn quay số, một chiếc dành cho các đồng chí lãnh đạo, còn một chiếc đặt ở phòng khách, ai cần liên lạc thì đăng ký với văn thư để vào sổ và mở khóa, nên thường chỉ dùng vào việc gọi cơ sở hẹn lịch làm việc. Hẹn xong là hăng hái đi, hăng hái viết bài, chụp ảnh để kịp thời nắm bắt, phản ánh hơi thở cuộc sống, dù việc đi lại khá vất vả, nhuận bút khá ít ỏi.

Khi chưa tách tỉnh, Đắk Lắk có địa bàn rất rộng, đường sá đã xa xôi lại còn trắc trở, hầu hết là đường đất hoặc đường nhựa đã lâu ngày, bị cày xới nham nhở, phương tiện giao thông nghèo nàn, ít ỏi, xe đạp vẫn phổ biến. Cơ quan có chiếc xe U-oát cũ thường chở anh em đi cơ sở, xe hay chết máy giữa đường nên thường vừa đi vừa đẩy, có khi cả ngày được vài chục cây số. Do đó, khoảng cách địa lý từ tỉnh lỵ, từ tòa soạn đến các huyện, các xã vùng sâu, vùng xa càng trở nên xa xôi...

Phóng viên Báo Đắk Lắk phỏng vấn lãnh đạo UBND TP. Buôn Ma Thuột về tình hình dịch Covid-19.  								 Ảnh: H. Tuyết
Phóng viên Báo Đắk Lắk phỏng vấn lãnh đạo UBND TP. Buôn Ma Thuột về tình hình dịch Covid-19. Ảnh: Hoàng Tuyết

Vào làm báo, không phải ai cũng được đào tạo đúng chuyên ngành, chủ yếu vừa làm vừa học, nhưng ai cũng say mê, tâm huyết với nghề. Những chuyến đi địa bàn có khi theo kế hoạch, có khi đột xuất, nhưng kéo dài vài ba ngày là chuyện thường, không chỉ bởi yếu tố khách quan về đường sá, phương tiện, mà còn bởi sự trăn trở, trách nhiệm của người cầm bút. Hành trình tác nghiệp không tránh khỏi lúc gian nan, thậm chí va vấp, nhưng mỗi lần va vấp là mỗi lần có thêm bài học để trưởng thành, cứng cáp hơn. Tiếp lửa cho phóng viên chính là Ban Biên tập với những nhà báo kỳ cựu, dày dạn kinh nghiệm thực tế. Như Tổng Biên tập Báo Đắk Lắk bấy giờ là Nguyễn Văn Nhị động viên những phóng viên “tay ngang” rằng muốn làm nghề rất cần được đào tạo bài bản, nhưng cũng rất cần lăn xả với nghề, không ngại khó, ngại khổ đến những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhất để kịp thời phản ánh hơi thở của cuộc sống, là cầu nối đưa những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến với Đảng, Nhà nước và ngược lại. Khi ấy, Trưởng phòng Phóng viên Bùi Đức Thịnh luôn nhắc nhở anh em nghề báo không cho phép tồn tại những khái niệm “hình như” hay “nghe nói” mà mỗi thông tin đưa ra đều phải có cơ sở, căn cứ trên cơ sở tìm hiểu, lắng nghe nhiều chiều, nhìn nhận ở nhiều góc độ. Trưởng phòng Thư ký xuất bản Nguyễn Thị Minh Thuận thì khuyến khích, gợi mở anh em chịu khó tìm hiểu những chi tiết "đắt"  trong mỗi câu chuyện, phản ánh dưới dạng chuyên mục ngắn gọn, dễ hiểu, được bạn đọc đón nhận…

Hoạt động báo chí và sản phẩm báo chí đang có sự thay đổi mạnh mẽ theo hướng hiện đại hơn, thuận tiện hơn. Tuy nhiên, nghề báo không hề trở nên dễ dàng hơn. Loại hình báo chí dù thực hiện theo phương thức thủ công hay hiện đại thì yêu cầu chung mang tính bất biến, ấy là phải bảo đảm tính chính xác, trung thực, hữu ích. Muốn vậy, điều cốt lõi vẫn là người làm báo phải "giữ lửa" đam mê, tâm huyết, trách nhiệm với nghề.

Hoa Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.