Multimedia Đọc Báo in

Khó khăn trong truyền thông dân số ở Ea H'đing

06:29, 05/01/2021

Do quan niệm của người dân về sinh đẻ còn lạc hậu nên nhiều năm nay tình trạng sinh đông con vẫn thường xảy ra ở xã Ea H’đing (huyện Cư M’gar).

Sinh đông, sinh dày là một trong những nguyên nhân khiến nhiều gia đình vẫn nghèo đói, thiếu thốn đủ bề, trẻ em không được chăm sóc đến nơi, đến chốn.

Chị H’Loa ở buôn Kon H’ring (xã Ea H’đing) năm nay mới 31 tuổi nhưng đã có đến 6 người con, trong đó, đứa đầu sinh năm 2008 đã bỏ học. Có đến 6 đứa con nhưng vợ chồng chị H’Loa vẫn chưa áp dụng biện pháp tránh thai nào. Cả nhà với 8 nhân khẩu sống chen chúc trong ngôi nhà tạm bợ với diện tích chỉ khoảng 30 m2. Thu nhập chỉ trông chờ vào nửa sào đất trồng lúa và 1 sào cà phê, nhưng do không có tiền đầu tư chăm sóc nên năng suất thấp. Hằng ngày chồng chị H’Loa phải đi làm thuê, làm mướn hoặc những hôm không ai thuê thì tranh thủ ra suối bắt cá, cua để cải thiện bữa ăn. Quanh năm, suốt tháng làm lụng cực nhọc nhưng gia đình chị H’Loa vẫn phải sống trong cảnh thiếu trước, hụt sau. Đáng thương nhất là những đứa trẻ trong gia đình này chưa khi nào được ăn no, mặc ấm.

Vợ chồng anh A Sih và chị H’Bar cũng là hộ sinh đông con ở buôn Kon H’ring. Anh chị đã có đến 10 người con song vẫn chưa áp dụng biện pháp tránh thai nào dù không ít lần tham gia các buổi truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Đông con nên cuộc sống gia đình anh A Sih gặp rất nhiều khó khăn. 3 đứa con đầu của anh chị lần lượt bỏ học và rất có thể những người con khác cũng sẽ tiếp tục bỏ học, bởi đó là cách để bố mẹ chúng đỡ khổ hơn.

Ở xã Ea H’đing, không riêng gì buôn Kon H’ring mà tình trạng sinh đông con còn diễn ra phổ biến ở hầu khắp các thôn, buôn. Năm 2019, xã có 22 trường hợp sinh con thứ ba trở lên; còn từ đầu năm 2020 đến nay đã có 24 trường hợp, trong đó có những chị đã sinh 7 - 8 con. Hiện nay trên địa bàn xã vẫn còn hơn 30% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng chưa sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, trong đó có nhiều người sinh 2 - 3 con, nguy cơ “vỡ kế hoạch” khó tránh khỏi.

Một buổi  truyền thông vận động  thực hiện kế hoạch hóa gia đình ở xã  Ea H’đing.
Một buổi truyền thông vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình ở xã Ea H’đing.

Nhằm nâng cao kiến thức và chuyển đổi hành vi về kế hoạch hóa gia đình, hằng năm Ban Dân số xã đều tham mưu triển khai thực hiện đầy đủ các chương trình, kế hoạch về công tác dân số; tuy nhiên mọi hoạt động truyền thông chưa phát huy được hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Đào, cộng tác viên dân số buôn Kon H’ring cho biết: “Tôi thường xuyên đến từng gia đình để tư vấn, vận động bà con thực hiện kế hoạch hóa gia đình, tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng không hợp tác". Còn theo chị H’Dê Niê, viên chức dân số xã Ea H’đing, cán bộ và cộng tác viên dân số thường xuyên phối hợp với các đoàn thể ở xã, ban tự quản thôn, buôn lồng ghép tư vấn, vận động về kế hoạch hóa gia đình, can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; tổ chức các buổi truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở những buôn có mức sinh cao. Tuy vậy, hiệu quả truyền thông còn thấp do Ea H’đing là xã có địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác, rất khó quản lý và theo dõi. Một số thôn, buôn và đoàn thể chưa thật sự quan tâm đến công tác dân số; nhất là tư tưởng thích sinh đông con vẫn còn tồn tại.

Trước những khó khăn, thách thức về tình trạng sinh đông con ở xã Ea H’đing, nếu không có giải pháp kịp thời sẽ dẫn đến những hệ lụy đáng buồn, nhất là tình trạng đói nghèo và trẻ em phải bỏ học sớm. Bởi vậy, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của cấp ủy, chính quyền, ban tự quản và các đoàn thể ở địa phương đối với công tác dân số. Trong đó, cần đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, vận động giúp người dân nâng cao ý thức và tự giác thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Thảo Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.