Multimedia Đọc Báo in

"Trang trại tươi xanh" của lính

06:27, 05/01/2021

Đóng quân nơi vùng biên, giao thông khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, quân số thường xuyên phân tán, song những năm qua cán bộ, chiến sĩ Đại đội 5 (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Buôn Đôn) luôn chú trọng tăng gia sản xuất, chăn nuôi, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng bữa ăn, phục vụ nhiệm vụ huấn luyện.

“Trang trại tươi xanh” là cách gọi vui của mọi người khi đến tham quan, học hỏi mô hình chăn nuôi, trồng trọt của những chàng lính trẻ.

Hiệu quả kinh tế từ vườn, ao, chuồng, giàn

Sau chuyến hành quân diễn tập dài ngày, thời điểm cuối năm, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 5 tiếp tục khoác ba lô đến với các bản làng xa xôi giúp cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương nạo vét kênh mương, tổng dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, khám chữa bệnh, tặng quà, cấp thuốc. Trong hành trang của bộ đội, ngoài quân tư trang và các dụng cụ cá nhân, còn có rất nhiều hạt giống, cây con, rau xanh, thịt cá do chính tay họ tự làm ra để gửi tặng bà con.

Dẫn khách đi tham quan khu nhà lưới rộng gần 1.300 m2, Đại úy Niê Hoàng Kiệt, Phó Đại đội trưởng Đại đội 5 cho biết: “Ngoài rau muống, rau cải, mùng tơi, su hào, đậu bắp, cà pháo, mới đây chúng tôi còn xuống giống gần 30 luống bắp cải, súp lơ, xà lách, cà chua, cà rốt, đậu ve, hành, ngò để đảm bảo đủ nhu cầu rau xanh trong những ngày Tết. Giữa mùa khô, mạch nước ngầm suy giảm nghiêm trọng song nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, toàn bộ diện tích trong khu nhà lưới vẫn giữ được độ ẩm cần thiết, giúp cây cối sinh trưởng, phát triển tốt. Tháng nào chúng tôi cũng vượt từ 30 - 40% chỉ tiêu về rau xanh”.

Vườn rau sạch quanh năm xanh tốt của những người lính nơi vùng biên.  Ảnh: An Khang
Vườn rau sạch quanh năm xanh tốt của những người lính nơi vùng biên. Ảnh: An Khang

Để bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, bộ đội đã tự nghiên cứu, mày mò, pha chế được rất nhiều loại thuốc trừ sâu khác nhau từ tỏi ớt, xà phòng, vỏ chanh, vỏ bưởi. Tận dụng địa thế đồi dốc, toàn bộ khu vực chuồng nuôi bò, heo, gà vịt được đơn vị quy hoạch dưới các sườn thấp, cách xa các dãy nhà ở và khu dân cư, vừa để tránh gió vừa góp phần bảo vệ môi trường, tránh phát tán mùi hôi, nước thải. Trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên các đàn vật nuôi, từ 3 năm nay, đơn vị đã tự túc được đủ nguồn con giống. Những tháng cuối mùa mưa, bộ đội chủ động tích nước dự trữ, nuôi thả cá trê, rô phi, trắm cỏ, diêu hồng để làm phong phú thêm những bữa ăn ngày Tết.

Những chú “thú cưng” đặc biệt

Trong số vật nuôi lên đến cả nghìn con, với các chiến sĩ trẻ, 3 chú đà điểu là những “người bạn” thân thiết nhất. Ngày nào cũng vậy, sau giờ huấn luyện, lau chùi bảo quản vũ khí trang bị, bộ đội lại tập trung rất đông tại khu vực chuồng nuôi đà điểu để ngắm nhìn, chăm sóc bầy “thú cưng” và rôm rả chuyện trò. Chỉ chú đà điểu cao to nhất đang đứng ở góc chuồng, binh nhất Y Hão Niê, chiến sĩ Trung đội 3 cho biết: “Con đấy háu ăn, thông minh, thích bày trò chọc phá bộ đội lắm. Cậu nào lơ đễnh, đi sát hàng rào là bị nó nghển cổ ra “nhổ tóc sâu” ngay. Vui lắm”.

Hái nắm rau muống già vứt vào máng ăn cho lũ đà điểu, binh nhất Y Chin Êban, Y Săn Êban góp vui: “Khi mới bắt về, chúng chỉ nhỏ bằng nắm tay, vậy mà sau nửa năm chăm sóc, mỗi con đã nặng gần 30 cân, cao quá đầu người, chạy nhanh như tên bắn. Cỏ chỉ, rau lang, rau muống, bắp ngô, bột sắn, cơm thừa canh cặn… thứ gì chúng cũng ăn được cả. Sau này ra quân, nếu có điều kiện chúng tôi cũng sẽ tìm mua vài cặp về nuôi”.

Chiến sĩ trẻ Đại đội 5 chăm sóc đà điểu. Ảnh: An Khang
Chiến sĩ trẻ Đại đội 5 chăm sóc đà điểu. Ảnh: An Khang

Thiếu úy Lê Văn Long, Chính trị viên phó Đại đội 5 cho biết: “Mục đích chính của việc nuôi đà điểu là để tạo thêm một sân chơi mới cho bộ đội trong những ngày nghỉ, giờ nghỉ, chứ hoàn toàn không đặt nặng vấn đề kinh tế, nên quy mô ban đầu còn khá nhỏ. Tuy nhiên, từ thành công bước đầu, chúng tôi đang tính toán mở rộng chuồng trại, nuôi thêm một vài cặp nữa. Hiện nay, Ban Chấp hành Chi đoàn đang xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động vui xuân, đón Tết, trong đó có một số nội dung liên quan đến đà điểu, khiến bộ đội rất hào hứng và phấn khởi”.

Với 9 con bò, 70 con heo, 700 gà, vịt, ngan, ngỗng và gần 1.000 m2 ao thả cá, mỗi năm, trừ hết chi phí, Đại đội 5 thu lãi được hàng trăm triệu đồng, là điểm sáng về công tác tăng gia sản xuất, chăn nuôi của lực lượng vũ trang huyện Buôn Đôn. “Thực túc binh cường, ăn no đánh thắng”, những năm qua, tỷ lệ quân số khỏe tham gia học tập, công tác của Đại đội 5 luôn đạt và vượt chỉ tiêu, đơn vị luôn nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Lê Hà


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.