Multimedia Đọc Báo in

Mùa hái bông chít ở "cổng trời" Ea Rớk

06:53, 31/01/2021

Những ngày cuối đông, tại khu vực "cổng trời" thôn Ea Rớk (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) mỗi ngày trung bình có khoảng 200 người là đồng bào dân tộc Mông rủ nhau khăn gói lên rừng bẻ bông chít (bông đót) để làm chổi.

Để hái bông chít, người ta mang theo những dụng cụ đơn giản như: Gùi, dao quắm, giày hoặc ủng và găng tay. Cây chít thường mọc những nơi có độ dốc lớn, triền đồi hoặc dọc theo các khe suối nên công việc hái bông chít rất vất vả. 

Người dân bán trực tiếp cho thương lái trên đường đi về.jpg
Người dân bán bông chít trực tiếp cho thương lái trên đường đi hái về.

Bà con phải dậy sớm chuẩn bị thức ăn, nước uống, những dụng cụ cần thiết và ít dầu gió để phòng côn trùng đốt. Vị trí dừng xe gắn máy cách khá xa nơi hái nên bà con để xe dọc đường đi và trèo bộ lên những vùng có nhiều cây chít để thu hái. Trời nắng chang chang lại bị lá chít, cây gai sắc cứa vào tay, phấn chít dính vào cổ gây ngứa khó chịu là những nỗi khổ mà người hái chít ai cũng trải qua.

Anh Giàng Seo Măng là một trong những người có “thâm niên” hái chít chia sẻ: "Bông chít đẹp và bền nhất ở đầu vụ nên được thương lái trả giá cao, trung bình một ngày có thể hái được từ 40 - 50 kg chít tươi. Với giá bán đầu vụ vào khoảng 6.000 đồng/kg tươi, mỗi ngày chúng tôi cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng. Đây được xem là món "lộc trời" ban cho người dân nghèo có thêm niềm vui đón Tết".

Gia đình ông Lý Văn Thắng sơ chế bông chít trước khi bán cho thương lái.
Gia đình ông Lý Văn Thắng sơ chế bông chít trước khi bán cho thương lái.

Cây chít trổ bông một lần trong năm bắt đầu từ tháng Chạp năm trước kéo dài đến hết tháng 2 âm lịch năm sau. Mùa hái chít thường rơi vào thời điểm trước Tết Nguyên đán từ 20 - 25 ngày. Thu nhập từ hái chít là cơ hội để có thêm chi phí trang trải dịp cuối năm nên người người, nhà nhà đổ xô lên rừng săn "lộc trời". Không chỉ người lớn mà cả các em học sinh cũng tranh thủ thời gian sau buổi học lên rừng hái chít nhằm có thêm một khoản nhỏ mua sắm đồ dùng học tập hoặc quần áo mới đón Tết.

Ông Lý Văn Thắng, một người dân ở thôn Ea Rớk cho hay, gia đình ông mỗi ngày có từ 4 - 5 người vào rừng hái bông chít, trung bình thu nhập khoảng 1 triệu đồng, đây là khoản tiền có ý nghĩa rất lớn dịp cuối năm, giúp gia đình ông có một cái Tết đủ đầy. Không riêng nhà ông Thắng, nhiều gia đình khác ở thôn Ea Rớk như anh Dương Văn Pùa, Mã Văn Cao... mỗi ngày cũng có từ 3 - 5 người đi hái “lộc trời” để cải thiện cuộc sống.

Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm cho biết: Những năm gần đây, đồng bào không chỉ hái “lộc trời” mà đã biết bảo vệ, nuôi gốc diện tích cây chít tự nhiên để khai thác thời gian sau đó.

Vàng A Hiệp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.