Multimedia Đọc Báo in

Nghề báo cho tôi những người bạn

09:45, 15/01/2021

Nghề báo – nghề của những chuyến đi. Thành quả sau mỗi chuyến đi cơ sở không đơn thuần chỉ để lấy tư liệu viết tin bài mà còn mang lại cho phóng viên cả những mối quan hệ - những người bạn không phân biệt lứa tuổi.

Năm 2009, khi mới được nhận vào thử việc tại Tòa soạn Báo Đắk Lắk, tôi được giao phụ trách lĩnh vực giao thông vận tải. Mới tốt nghiệp, lại không phải sinh ra, lớn lên tại Đắk Lắk nên mọi thứ đối với tôi đều rất bỡ ngỡ. Xe máy đi còn chưa thành thạo, đường sá, con người … đều rất xa lạ.

Được giao phụ trách một lĩnh vực mà lúc ấy trong tôi chỉ nghĩ được giao thông thì chỉ có cầu, đường và... tai nạn. Thế là tôi chăm chăm lên Google tìm kiếm những địa phương trong tỉnh có cầu, đường hư hỏng, xuống cấp để viết bài phản ánh. Còn nhớ tháng 9-2009, một người bạn cho hay ở xã Ea Dăh (huyện Krông Năng) có rất nhiều cầu treo xuống cấp. Tôi liên lạc và được lãnh đạo xã Ea Dăh đồng ý, giao anh Lê Văn Hiển – lúc ấy là công an viên xã đưa tôi đi. Sau hơn 3 giờ từ TP. Buôn Ma Thuột chạy xe máy với quãng đường dài khoảng 80 km tôi mới đến trụ sở UBND xã Ea Dăh. Như đã hẹn trước, tôi và anh Hiển tranh thủ vừa đi “thị sát” các cầu treo trên địa bàn vừa trao đổi về tình hình thực tế. Sau chuyến đi đó, tôi hoàn thành bài viết “Huyện Krông Năng: Nhiều cầu treo xuống cấp” được bạn đọc quan tâm. Năm 2014, cầu Phú Xuân – Ea Dăh, một trong những cây cầu hư hỏng nặng được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư, anh Hiển gọi báo tin mừng.

Phóng viên Báo Đắk Lắk trong một lần tác nghiệp ở cơ sở. Ảnh: Hoàng Gia
Phóng viên Báo Đắk Lắk trong một lần tác nghiệp ở cơ sở. Ảnh: Hoàng Gia
Gần 12 năm gắn bó với nghề báo, bản thân đã đi, đến rất nhiều địa phương trong tỉnh. Ở mỗi địa bàn, từ sở, ngành cấp tỉnh đến thôn, buôn, tổ dân phố đều cho tôi những tư liệu quý giá và cả những người bạn. Họ cũng chính là nguồn tin luôn sẵn sàng alo cho tôi báo tin ở cơ sở, địa bàn.

Sau đó, vào năm 2013 tôi và một đồng nghiệp vào thôn Giang Đông (xã Ea Dăh) để phản ánh về tệ nạn ma túy; năm 2017 tôi lại về nơi đây viết bài về niềm vui có cầu mới của người dân hai xã vùng sâu Phú Xuân, Ea Dăh, nhưng không có dịp gặp anh Hiển. Cuối năm 2020, được người dân thông tin, tôi trở lại Ea Dăh phản ánh tiếp về sự bất an của người dân khi đi qua những cây cầu treo tại địa phương. Sau hơn 10 năm gặp lại, anh Lê Văn Hiển hiện là Chủ tịch UBND xã Ea Dăh vẫn nhận ra tôi, anh em có dịp  hàn huyên ôn lại kỷ niệm của chuyến đi năm 2009.

Với Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nấm linh chi và Dịch vụ nông nghiệp Krông Ana Đinh Thị Danh (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana), tôi luôn xem như mẹ của mình. Tôi quen biết cô từ năm mới vào nghề - khi đó cô đang là lãnh đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Krông Ana. Mỗi chuyến công tác xuống huyện Krông Ana, tôi đều tranh thủ ghé nhà cô để nghe kể chuyện về quá trình xuất hiện, phát triển của nghề trồng nấm tại địa phương. Khi tôi cần thông tin, hình ảnh về nghề trồng nấm, những mô hình trồng nấm hiệu quả cô sẵn sàng đưa đi, chia sẻ kinh nghiệm, kể cả những băn khoăn, lo lắng về nghề nấm trong tương lai. Tuy nhiên, khi tôi đặt vấn đề viết bài về những đóng góp của cá nhân cô đối với nghề nấm trên địa bàn huyện Krông Ana, cô một mực từ chối, bởi không thích “kể công” lên mặt báo.

Sau nhiều lần thuyết phục, tôi cũng nhận được cái “gật đầu” của vị Giám đốc HTX Nấm linh chi và Dịch vụ nông nghiệp Krông Ana – người luôn xem tôi như con gái. Mỗi khi tôi chào ra về, cô không quên căn dặn: “Con đi đường cẩn thận, khi nào xuống nhớ ghé nhà cô ăn cơm nấm”. Sự chân thành ấy luôn để lại cho tôi những ấn tượng khó quên.

Lệ Băng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.