Multimedia Đọc Báo in

Nhớ chuyến tác nghiệp về vùng lũ Cư San

09:51, 15/01/2021

Cuối tháng 11, đầu tháng 12-2020 mưa lớn kéo dài, khiến nhiều địa phương trong tỉnh bị ngập lụt. Từ nguồn tin trên Facebook, tôi quyết định nhanh chóng đến xã Cư San (huyện M’Drắk) – nơi có hàng trăm hộ dân sống ở khu vực lòng Hồ Krông Pách thượng đang bị cô lập do bão lũ để nắm bắt thông tin.

Cũng như những lần tác nghiệp vào vùng bị ảnh hưởng do thiên tai, từ tối 30-11, tôi chuẩn bị tất cả đồ dùng cá nhân, máy ảnh, máy vi tính và cả mì tôm để sẵn sàng đến xã Cư San. Một đồng nghiệp cùng cơ quan căn dặn: “Phải mang túi bọc máy ảnh tránh mưa làm ướt máy, mang theo áo mưa, mấy bộ quần áo phòng khi mưa lớn…”.

Tôi mường tượng ra những khó khăn trong quá trình tác nghiệp, song “máu nghề” thôi thúc phải đi. Từ TP. Buôn Ma Thuột đi ngang qua các huyện cánh Đông của tỉnh, mưa trút liên tục không ngớt. Bác tài xế của một doanh nghiệp ở xã Cư San bảo mưa thế này thì chỉ đứng ngoài vùng dân cư để chụp hình, lấy thông tin chứ không thể tiếp cận vùng lũ. Tôi vẫn nghĩ, đã đi được hơn 100 km thì không thể chỉ đứng từ xa để nhìn, để zoom (phóng to, thu nhỏ) máy ảnh và cũng tự trấn an “cứ đi sẽ đến”.

Đường vào thôn 11, xã Cư San (huyện M'Drắk) bùn lầy, trơn trượt.
Đường vào thôn 11, xã Cư San (huyện M'Drắk) bùn lầy, trơn trượt.

Khi xe đến Văn phòng làm việc của Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8 (viết tắt là Ban 8), mưa lớn vẫn không ngớt, lại hay tin xe ô tô của nhóm phóng viên một cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh cũng đang mắc kẹt ở vùng tâm lũ Cư San chưa di chuyển được ra ngoài. Cách duy nhất lúc ấy là phải thuê một bác xe thồ người địa phương hoặc thuê xe máy cày mới vào được vùng lòng Hồ Krông Pách thượng. Hơn 1 giờ sau, doanh nghiệp nọ mới tìm được người chở tôi vào khu vực thôn 9, 10 và 11 (xã Cư San). Quãng đường từ Ban 8 đến vùng lũ chỉ khoảng 5 km, song đường trơn trượt, đi bộ nhiều hơn ngồi xe nên gần 1 giờ mới tới được bến đò khu vực lòng hồ.

12 giờ trưa, bến đò chật ních người, song chỉ có duy nhất một chiếc thuyền máy, sức chở khoảng 30 người nên chủ yếu ưu tiên các đoàn cứu trợ, lãnh đạo địa phương vào với dân vùng lũ. Là phóng viên nên tôi cũng được ưu ái lên thuyền rời bến vào thôn 9 và thôn 11 sớm. Thuyền chở quá nặng nên cứ chòng chành, di chuyển rất chậm ở lòng hồ, đáng ngại là hầu hết mọi người đều không mặc áo phao. Thấy tôi ngạc nhiên, nhiều người hỏi: “Chị chắc là người từ nơi khác đến, chứ người dân địa phương thì quen đi đò thế này rồi”.

Thuyền cập bến, mọi người nhốn nháo để kịp di chuyển về khu dân cư thuộc thôn 11, đường trơn tôi phải cuốc bộ khoảng 1 km mới tới điểm Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân – nơi lãnh đạo UBND huyện M’Drắk, xã Cư San và hàng chục cán bộ, thanh niên tình nguyện của địa phương đang ứng trực để theo dõi thông tin và sẵn sàng di dời người dân ra khỏi rốn lũ.

Chuyến đò chở người dân vào khu vực thôn 9, 10 và 11 xã Cư San vào ngày 1-12-2020.
Chuyến đò chở người dân vào khu vực thôn 9, 10 và 11 xã Cư San vào ngày 1-12-2020.

14 giờ chiều cùng ngày, tổ trực của địa phương do đồng chí Nguyễn Đức Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện M’Drắk chỉ đạo mới có thời gian để ăn bát mì tôm lót dạ. Để kịp thông tin, tôi và đồng chí Thảo vừa trò chuyện, trao đổi trong bữa trưa muộn của ngày mưa bão. Tiếp tục, tôi theo chân một cán bộ địa phương đến những trường hợp phải di dời do bị ngập nặng trong đêm 29 và 30-11 mới thấy được những khó khăn, vất vả của người dân nơi đây.

Khu vực dân cư thuộc thôn 9 xã Cư San (huyện M'Drắk) bị cô lập bởi nước lũ vào tháng 11-2020.
Khu vực dân cư thuộc thôn 9 xã Cư San (huyện M'Drắk) bị cô lập bởi nước lũ vào tháng 11-2020.

Chia tay người dân Cư San vào một buổi chiều muộn, hình ảnh cả một vùng dân cư bị cô lập bởi nước lũ, những mái nhà bị nước tràn qua nền, ngập đến tận chân giường và những vườn cam, quýt chìm trong nước ngả màu vàng úa khiến lòng tôi nặng trĩu. Thầm nhủ sau chuyến đi này sẽ có ngày trở lại với người dân vùng khó Cư San để hiểu thêm về đời sống, tâm tư, nguyện vọng, băn khoăn của họ - những trường hợp thuộc diện phải di dời để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng trong nay mai. Và tôi đã trở lại nơi này trong tháng cuối năm 2020.

Hoàng Tuyết

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.