Multimedia Đọc Báo in

Những bạn trẻ mê nghề móc len

08:44, 23/01/2021

Chỉ với những cuộn len sợi, một chiếc kim móc, kim khâu, nhiều bạn trẻ đã khéo léo tạo nên sản phẩm len handmade (làm thủ công bằng tay) độc đáo, sáng tạo, được khách hàng ưa chuộng.

Khởi nghiệp từ len

Shop len Cherry của cô gái Bùi Thị Bảo Trâm (SN 1997, phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) không chỉ là địa chỉ tin cậy để mua len sợi mà đây còn là nơi bán các mẫu túi xách, mũ, khăn len… xinh xắn do chính tay chủ shop làm.

Nói về cơ duyên với nghề này, Trâm kể: trước đây khi còn là sinh viên của Trường Đại học Tây Nguyên, cô đã học cách móc len để kiếm thêm thu nhập. Ban đầu Trâm tập tành móc những mũi cơ bản, rồi vận dụng vào làm những chiếc khăn, túi đựng điện thoại. Sau mỗi giờ học, Trâm dành hết thời gian cho công việc này. Khi đã móc thành thạo, Trâm chuyển sang làm những sản phẩm khó hơn như: mũ, túi xách… rồi đăng bán trên trang Facebook cá nhân và gửi bán ở shop len sợi của chị gái mình. Nhờ đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, sản phẩm của Trâm được nhiều người đặt mua, giúp cô có thu nhập từ 3 – 4 triệu đồng mỗi tháng.

Nhờ đó, suốt bốn năm học đại học, Trâm không chỉ có thể tự trang trải được việc học mà cô còn dành dụm được vốn để quyết tâm khởi nghiệp với nghề này. Cuối năm 2019, sau khi ra trường, được chị gái sang nhượng shop len, Trâm tiếp tục duy trì bán len sợi và cho ra nhiều sản phẩm mới từ len. Trong đó, túi xách dành cho phụ nữ và trẻ em là sản phẩm chính của Trâm.

Ngoài làm những mẫu theo yêu cầu của khách, Trâm cũng tự sáng tạo, cách tân để sản phẩm túi mới lạ hơn. Hoa văn trên mỗi chiếc túi của cô khá đơn giản, nhưng lại tinh tế, tao nhã. Theo Trâm, túi xách làm bằng len rất bền, đẹp và độc đáo. Để hoàn chỉnh một chiếc túi rất kỳ công, người móc phải giống như một nhà thiết kế, có đầu óc sáng tạo, tự hình dung, tưởng tượng ra mũi móc, họa tiết, kích thước sao cho sản phẩm hài hòa, cân đối, rồi mới bắt đầu cho khâu móc.

Bùi Thị Bảo Trâm đang móc túi xách  cho khách hàng.
Bùi Thị Bảo Trâm đang móc túi xách cho khách hàng.

Các sản phẩm từ len được Trâm bán với giá từ vài trăm nghìn đồng đến một triệu đồng/chiếc (tùy vào kích thước). Nhờ được mẹ và em gái hỗ trợ, mỗi tháng Trâm bán ra thị trường khoảng 20 – 30 chiếc túi xách, mũ len lớn, nhỏ. Từ việc bán len sợi và những sản phẩm móc thủ công đã mang lại cho Trâm thu nhập ổn định 15 triệu đồng mỗi tháng. Để phát triển nghề hơn nữa, trong thời gian tới, Trâm dự định sẽ mở thêm một shop chuyên túi xách len để đáp ứng nhu cầu của khách.

Đưa sản phẩm len handmade đi xa

Thấy con gái say mê với những con thú bằng len xinh xắn được bán tại một hội chợ, Trần Ngọc Nữ Thảo Nguyên (SN 1992, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) đã lên Youtube học móc len. Sau một thời gian mày mò, những chiếc mũ, khăn, thú len dành cho con gái dần được hoàn thành. Nguyên đã đăng tải những sản phẩm này lên trang Facebook cá nhân và nhận được nhiều lời khen ngợi, hỏi mua hàng của cô. Và cơ duyên với nghề móc len sợi của Nguyên cũng bắt đầu từ đấy. Rồi công việc này trở thành đam mê của Nguyên lúc nào không hay, cô thường miệt mài với từng đường kim, mũi móc đến quên cả giờ giấc. Dẫu vậy, dù thức khuya, dậy sớm nhưng thu nhập của Nguyên không đáng là bao nên gia đình khuyên cô từ bỏ nghề. Thế nhưng cô gái trẻ vẫn kiên trì cố gắng, với hy vọng thành công với niềm đam mê này. Không ngừng học hỏi để nâng cao tay nghề, những mũi móc của Nguyên ngày càng đều và đẹp hơn, sản phẩm làm ra được nhiều người đón nhận.

Trần Ngọc Nữ Thảo Nguyên  say mê móc thú bằng len.
Trần Ngọc Nữ Thảo Nguyên say mê móc thú bằng len.

Nguyên chuyên làm những sản phẩm dành cho trẻ em như: mũ, quần, áo, khăn, thú len..., trong đó thú len là sản phẩm chính của cô. Nhờ sản phẩm có chất lượng tốt nên không chỉ các shop dành cho trẻ em trong nước thường xuyên đặt mua mà Nguyên còn có lượng khách hàng ổn định tại Mỹ và Canada. Do đó, đơn đặt hàng ngày càng nhiều, nhất là vào dịp Tết, nên Nguyên đã tuyển một số “bà mẹ bỉm sữa” nhận hàng về nhà làm, giúp họ có thêm thu nhập. Hiện tại mỗi tháng Nguyên bán ra thị trường từ 50 – 80 sản phẩm các loại, với giá từ 100.000 – 800.000 đồng/sản phẩm, mang lại thu nhập cho cô khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng.

Nguyên chia sẻ: “Như cái duyên với công việc này, ban đầu mình chỉ tập móc cho biết, nhưng lại học được rất nhanh, dần đam mê luôn. Việc kinh doanh cũng khá thuận lợi nên chỉ trong gần hai năm bán sản phẩm len, Nguyên đã có lượng khách hàng ổn định. Theo Nguyên, để phát triển được nghề này, phải thật kiên trì, chịu khó thì mới thành công”.

Phương Thảo

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.