Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo lì xì… sách

07:55, 21/02/2021

Thay vì những món quà Tết hay bao lì xì chứa tiền mặt thông thường, Hội đồng Đội huyện Cư M’gar cùng Câu lạc bộ Vì đàn em thân yêu (CLB), trực thuộc Hội đồng Đội huyện Cư M’gar đã tổ chức Chương trình “Lì xì sách cho thiếu nhi” nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vừa qua.

Tối 28 Tết, tại địa chỉ 140 Hùng Vương (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar), 8 kệ sách với hơn 400 đầu sách được xếp ngay ngắn, thu hút nhiều học sinh đến lựa chọn. Mỗi em khi đến đây sẽ được tự chọn một cuốn sách mang về và nhận được những lời chúc Tết ý nghĩa. Để đảm bảo an toàn khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban tổ chức chương trình đã bố trí bàn đăng ký, nước rửa tay sát khuẩn và phát khẩu trang cho người đến nhận lì xì sách. Ai cũng tuân thủ quy định, tuần tự lựa chọn cuốn sách yêu thích của mình.

Thành viên Câu lạc bộ Vì đàn em thân yêu lì xì sách cho em nhỏ.
Thành viên Câu lạc bộ Vì đàn em thân yêu lì xì sách cho em nhỏ.
“Thay vì lì xì tiền mặt, lì xì bằng sách sẽ mang đến những giá trị tinh thần, đưa đến sự mới mẻ, qua đó tạo dựng văn hóa đọc, giúp các em tìm được những niềm vui trong sách vở và tận dụng tốt nhất tri thức có được từ những món quà ý nghĩa ấy. Không những thế, khi lì xì bằng sách, cảm giác quan tâm về mệnh giá món quà sẽ ít nhiều giảm đi, dù ở bìa cuối cuốn sách vẫn ghi giá" - anh Mai Văn Chuyền, Chủ nhiệm CLB Vì đàn em thân yêu chia sẻ.

Anh Mai Văn Chuyền, Chủ nhiệm CLB Vì đàn em thân yêu chia sẻ, chương trình được tổ chức với mong muốn truyền tải thông điệp “Trao cho trẻ một quyển sách là bạn đã thay đổi thế giới” đến tất cả mọi người, đặc biệt là phụ huynh học sinh. Qua đó nhằm khơi dậy niềm yêu thích đọc sách cho thiếu nhi, kích thích sự say mê nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo ở trẻ... Đây cũng là món quà ý nghĩa, giúp các em thư giãn trong những ngày nghỉ Tết thay vì vùi đầu vào ti vi hay điện thoại thông minh.

Vì thông tin đã được phổ biến về các liên đội trên địa bàn huyện nên chương trình thu hút nhiều học sinh các cấp ở thị trấn Quảng Phú và một số xã như: Ea Kpam, Ea Pốk, Ea Tul… tham gia. Chỉ trong khoảng thời gian gần 3 giờ đồng hồ diễn ra chương trình, gần 400 đầu sách đủ các thể loại như: sách tiếng Anh, giáo dục kỹ năng sống, khoa học, truyện… đã được lì xì đến các em. Tổng kinh phí thực hiện chương trình là hơn 12 triệu đồng, được huy động từ các thành viên cộng đồng yêu sách “Tủ sách lớp em Đắk Lắk”, “Tủ sách nhân ái - Ngôi nhà trí tuệ” xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar), chương trình Thư viện về buôn.

Em Đào Thị Giang (học sinh lớp 12, Trường THPT Lê Hữu Trác, thị trấn Quảng Phú) hào hứng trò chuyện: “Sách ở đây rất đa dạng về thể loại, đặc biệt là ai cũng có thể thoải mái tự chọn cuốn sách mình được lì xì. Riêng bản thân em cảm thấy rất vui vì lựa được cuốn sách “Khoảng trời bình yên cho tuổi Teen”, lướt qua thấy nội dung khá thú vị và phù hợp với lứa tuổi. Đây sẽ là món quà ý nghĩa và đáng nhớ của em trong dịp Tết năm nay”.

Anh Mai Văn Chuyền lì xì sách cho các em nhỏ dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu tại
Anh Mai Văn Chuyền lì xì sách cho các em nhỏ dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu tại "Tủ sách nhân ái - Ngôi nhà trí tuệ" xã Quảng Hiệp.

Cùng với việc tổ chức tại địa chỉ trên, những ngày Tết Nguyên đán, mỗi em nhỏ khi tới “Tủ sách nhân ái – Ngôi nhà trí tuệ” xã Quảng Hiệp, đồng thời là nhà của anh Mai Văn Chuyền cũng sẽ được nhận lì xì sách. “Tủ sách nhân ái” tại đây có gần 1.000 đầu sách, được coi như một “thư viện thu nhỏ” với đủ thể loại như: sách thiếu nhi, truyện tranh, sách kỹ năng sống, lịch sử, khoa học…, hoạt động xuyên suốt trong năm, giúp học sinh và cả phụ huynh thoải mái đến đọc hoặc mượn mang về. Dịp Tết năm nay, “Tủ sách nhân ái” đã lì xì khoảng 70 đầu sách đến học sinh trên địa bàn xã Quảng Hiệp và những xã lân cận.

Tuy là lần đầu tiên được tổ chức, thế nhưng chương trình “Lì xì sách cho thiếu nhi” đã tạo được những tín hiệu khả quan. Không chỉ ở số lượng lớn sách đã lì xì, mà còn ở việc hào hứng nhận sách của học sinh và sự phản hồi tích cực từ các bậc phụ huynh đến Ban tổ chức chương trình sau khi con em mình nhận sách về nhà.

Huyền Diệu

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.