Multimedia Đọc Báo in

Nhà vườn tất bật đưa hoa Tết ra thị trường

08:37, 02/02/2021

Những ngày này, các nhà vườn ở TP. Buôn Ma Thuột đang tất bật đưa hoa Tết ra thị trường. Vất vả cả năm, niềm vui lớn nhất của những nhà vườn là có được những chậu cây ưng ý để phục vụ khách hàng vui Xuân, đón Tết và nhờ đó, chủ vườn cũng có thu nhập cao.

Ông Nguyễn Xuân Trường (thôn 4, xã Hòa Thắng) cùng nhân viên đang chuẩn bị hàng trăm cây quất giao cho khách và đưa ra chợ hoa xuân. Ông Trường cho biết, năm nay kinh tế khó khăn và do không có người làm nên ông đã chủ động giảm từ 800 cây xuống còn hơn 300 cây so với năm ngoái.

Hiện những cây quất tại vườn nhà ông Trường quả đã chín vàng, quả to đều. Mỗi cây quất ước tính có hàng trăm quả. Những cây quất của gia đình ông Trường được nhập tận tỉnh Hải Dương về chăm, bởi theo ông, loại giống này rất phù hợp khí hậu Đắk Lắk, thổ nhưỡng ở đây càng khiến cây sum sê quả, có được bộ lá xanh mướt.

Để có những cây quất chín vàng đúng vào dịp Tết, ông Trường phải canh đúng thời gian sinh trưởng, tỉa hoa, vặt bớt quả nhỏ và sửa nhánh cho cây. Theo ông Trường, nhà vườn phải biết dưỡng cây cho thật khỏe để cây có sức sống, cho ra nhiều quả, sau đó bón phân, tưới nước đúng liều lượng, đúng thời điểm để có những cành quất sai quả; phải canh thời tiết để biết khi nào ngưng nước, khi nào nên lặt bớt hoa.

Vườn nhà ông Trường là một trong số ít những nhà vườn tại tỉnh có quất bán ra thị trường dịp Tết. Khoảng một tháng trước, nhiều người chơi quất đã tìm đến tận vườn nhà ông Trường để lựa những cây ưng ý. Theo ông Trường, hiện khách đã đặt khoảng 40% số cây trong vườn. Mỗi cây có giá trung bình từ 1 - 3 triệu đồng, tùy lớn nhỏ. Ông ước tính sau khi trừ các chi phí, gia đình ông thu được khoảng hơn 200 triệu đồng từ vườn quất.

Nhân công chăm sóc  cây quất  tại vườn nhà ông Nguyễn Xuân Trường.   Ảnh: Đ. Lan
Nhân công chăm sóc cây quất tại vườn nhà ông Nguyễn Xuân Trường. Ảnh: Đ. Lan

Cách đó không xa, vựa hoa, cây cảnh Tuấn Hà (thôn 4, xã Hòa Thắng) cũng nhộn nhịp những chuyến xe vào ra nhập hoa bán Tết. Hoa hồng là loại cây trồng chủ lực cung ứng cho thị trường dịp Tết ở vựa hoa này. Hơn 30.000 chậu hoa hồng lớn, nhỏ đang bung ra những mảng màu đẹp mắt. Chị Nguyễn Thị Việt Hà, chủ vựa hoa cho hay, những năm gần đây, hoa hồng ngoại đang là xu hướng ưa chuộng của nhiều người chơi hoa. Hoa được nhà vườn trồng quanh năm, nhưng Tết là vụ lớn nhất. Dù kinh tế năm qua khó khăn nhưng dịp Tết này chị vẫn mạnh dạn tăng 20% số lượng cây trồng so với mọi năm để đáp ứng nhu cầu của người chơi hoa. Năm nay, vựa hoa nhà chị trồng hơn 100 loại hoa hồng các loại, đủ sắc màu để khách có thêm nhiều lựa chọn.

Theo nhiều nhà vườn, do có lợi thế sản xuất tại địa phương nên hoa, cây cảnh sẽ tươi và bền lâu hơn so với hoa nhập. Giá bán cũng bình dân và hợp lý hơn cho người mua.

Năm nay hoa, cây cảnh trồng trong tỉnh xuất bán tại vườn phục vụ dịp Tết có giá không đổi so với những năm trước, thậm chí giá một số loại cây còn giảm nhẹ. Theo chị  Việt Hà, thông thường, vụ hoa hồng Tết có giá không tăng cao nhưng bù lại bán được với số lượng nhiều. Riêng năm nay, mỗi cây hoa hồng bán ra tại vườn có giá 70.000 đồng/cây, giảm 10.000 đồng/cây so với mọi năm.

Trang trại của anh Phan Trọng Dũng (thôn 8, xã Hòa Khánh) là cơ sở sản xuất, kinh doanh hoa lan hồ điệp lớn nhất TP. Buôn Ma Thuột. Đến nay, hơn 5.000 chậu hoa lan phục vụ Tết Nguyên đán 2021 của gia đình anh Dũng đã được khách hàng đặt mua gần hết. Dù tình hình kinh tế năm nay khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 song đầu ra cho vườn lan của gia đình anh Dũng vẫn ổn định; trang trại của anh vẫn tạo việc làm thường xuyên cho 15 nhân công với mức thu nhập từ 4,5 - 6 triệu đồng/tháng. Bí quyết của anh Dũng để có đầu ra ổn định cho sản phẩm chính là chất lượng lan hồ điệp. Anh chia sẻ, chậu lan hồ điệp có chất lượng thì cành có số lượng hoa nhiều, mọc đều, to và cánh hoa có độ dày bóng mượt; màu sắc của hoa phải sáng, tinh khiết, rõ nét như vàng, tím, hồng, trắng…; thân cây phải mập mạp, to tròn, láng mượt thể hiện sức sống mạnh mẽ… Ngoài đặc điểm tươi đẹp, khách hàng còn “chung thủy” với sản phẩm hoa lan của anh Dũng do yếu tố “độ bền” của hoa lan. Anh cho biết, nếu khách hàng chăm sóc tốt theo hướng dẫn thì hoa lan vẫn nở tươi đẹp đến đầu tháng 3 âm lịch.

Chị Nguyễn Thị Việt Hà, chủ vựa hoa, cây cảnh Tuấn Hà kiểm tra cây hoa trước khi xuất bán.
Chị Nguyễn Thị Việt Hà, chủ vựa hoa, cây cảnh Tuấn Hà kiểm tra cây hoa trước khi xuất bán.

“Thung lũng hoa” là cái tên mà khách hàng đặt cho khu vườn hoa hơn 10.000 m2 với nhiều chủng loại hoa tươi luôn khoe sắc của gia đình chị Doãn Thị Kim Liên (tổ dân phố 5, phường Tân Thành). Gia đình chị đang tập trung chăm sóc các chậu hoa để chuẩn bị giao cho tiểu thương từ các huyện Krông Pắc, Cư M'gar, Ea H'leo… Hơn 40.000 chậu hoa lớn, nhỏ đủ các loại như: cẩm nhung, dạ yến thảo, phong lữ rủ, cúc ban mai, thược dược… đã được đặt hàng gần hết. Theo chị Liên, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, gia đình chị rất lo lắng về “đầu ra” của vườn hoa nhưng hiện nỗi lo lắng không còn vì hoa đã được tiểu thương đặt hàng gần hết. Với lượng khách hàng ổn định, hằng năm vườn hoa mang lại cho gia đình chị Liên nguồn thu nhập đáng kể, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Đỗ Lan – Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.