Multimedia Đọc Báo in

Ý nghĩa thiết thực từ chính sách bảo hiểm y tế

05:51, 26/02/2021

Cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho đối tượng hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn và đối tượng bảo trợ xã hội… không chỉ giúp họ được chăm sóc sức khỏe mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Những năm qua, việc thực hiện chính sách BHYT cho hộ nghèo, đồng bào DTTS và đối tượng chính sách luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương và được triển khai thường xuyên, hiệu quả. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có gần 1.658.000 người tham gia BHYT; trong đó, hộ nghèo được Nhà nước cấp thẻ BHYT: trên 50.000 thẻ, đồng bào DTTS đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn: trên 396.000 thẻ, người đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: trên 128.000 thẻ và đối tượng bảo trợ xã hội: gần 33.000 thẻ… Các đối tượng trên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng và được Quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo quy định.

Anh Nguyễn Văn Tập tìm hiểu các chính sách hỗ trợ khi tham gia bảo hiểm.
Anh Nguyễn Văn Tập tìm hiểu các chính sách hỗ trợ khi tham gia bảo hiểm.

Với các hộ nghèo, hộ ở vùng đặc biệt khó khăn, được cấp thẻ BHYT là điều thiết thực, có ý nghĩa để chăm sóc sức khỏe những lúc ốm đau, bệnh tật. Nó không chỉ giảm áp lực về kinh tế mà còn tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng, góp phần bảo đảm sự công bằng và hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Đầu năm 2020, con trai anh Nguyễn Văn Tập (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) đang học lớp 9 bị xuất huyết não phải đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh) để điều trị. Vì gia đình anh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn và được Nhà nước cấp thẻ BHYT nên chi phí trong thời gian nằm viện gần 100 triệu đồng đều do bảo hiểm chi trả. Anh Tập chia sẻ, nếu không có tấm “bùa hộ mệnh” này thì có lẽ gia đình anh chẳng biết vay mượn ở đâu để điều trị cho con, bởi công việc làm nông của vợ chồng anh chỉ đủ ăn qua ngày.

Theo số liệu thống kê của BHXH huyện Buôn Đôn, đến cuối năm 2020, toàn huyện có gần 51.000 người được Nhà nước cấp thẻ BHYT; trong đó, có gần 25.700 người DTTS đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; gần 10.500 người đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; 4.900 người thuộc gia đình hộ nghèo…

Gia đình chị Trắng Thị Phụng (xã Ea Sol, huyện Ea H’leo) cũng thuộc diện được Nhà nước cấp thẻ BHYT. Cuối năm 2020, đứa con nhỏ của chị bị sốt phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện. Tuy số tiền điều trị không lớn, nhưng được bảo hiểm thanh toán đã giúp vợ chồng chị vơi bớt gánh nặng kinh tế.

Con trai chị Trắng Thị Phụng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ea H'leo.
Con trai chị Trắng Thị Phụng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ea H'leo.

Chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân là việc làm hết sức cần thiết, nhất là với đối tượng người nghèo, người DTTS và các đối tượng chính sách xã hội. Với tấm thẻ BHYT trong tay, khi không may ốm đau, bệnh tật, người dân sẽ được bảo hiểm thanh toán chi phí điều trị, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Xác định điều đó, những năm qua, các ngành chức năng và các địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý đối tượng, lập danh sách và cấp phát thẻ BHYT cho người dân nhằm góp phần thực hiện tốt các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chính sách BHYT là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa an sinh đối với đời sống cộng đồng; giúp người nghèo, người dân vùng đồng bào DTTS tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng, bảo đảm sự công bằng và hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Theo BHXH tỉnh, năm 2021, BHXH Việt Nam giao địa phương phấn đấu phát triển đối tượng tham gia BHYT lên 1.690.829 người. Để thực hiện điều này, rất cần sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; sự phối hợp thực hiện của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện chính sách BHYT; đồng thời tăng cường phát triển mạng lưới y tế tuyến cơ sở cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là đội ngũ cán bộ y tế; đặc biệt là ở vùng đồng bào DTTS để người dân được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế một cách dễ dàng, công bằng và đầy đủ.

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.