Multimedia Đọc Báo in

Buồn - vui nghề shipper

09:06, 14/03/2021

Những năm gần đây, hoạt động kinh doanh, buôn bán online trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột phát triển nở rộ đã góp phần tạo công ăn, việc làm và thu nhập khá ổn định cho những lao động tự do làm nghề giao hàng (shipper).

Bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, khi có đơn hàng, các shipper lại lập tức lên đường thực hiện nhiệm vụ của mình. Cả ngày rong ruổi trên đường, nghề giao hàng cũng có nhiều câu chuyện buồn, vui.

Gần 8 giờ tối, đang dạy con học bài, chị Huệ (36 tuổi, trú phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) nhận được điện thoại của một người quen làm nghề buôn bán online nhờ nửa đêm ra đường tránh Quốc lộ 14 chở giúp mấy bao tải hàng gửi từ các tỉnh phía Bắc vào. Từ số điện thoại chủ hàng cung cấp, chị bấm máy, gọi cho nhà xe, thông báo cụ thể địa điểm nhận hàng và đề nghị: “Từ nhà em ra đó mất tầm 5 phút thôi. Khi nào gần tới các anh hãy gọi nhé. Hôm nọ, có anh kia gọi sớm quá, em ra đứng đợi cả tiếng đồng hồ, về không ngủ được luôn”. Tuy gần sáng xe mới tới nơi nhưng đêm ấy chị Huệ gần như thức trắng bởi lâu lâu lại phải bấm điện thoại xem có cuộc gọi nhỡ nào không, sợ mình lơ đễnh ngủ quên, nhà xe gọi mà không biết, lỡ việc của chủ hàng.

Công việc hàng ngày của chị Vân (bên phải).
Công việc hàng ngày của chị Vân (bên phải).

Chia sẻ về công việc của mình, chị Huệ cho biết: “So với nhận hàng ở bến xe liên tỉnh, việc nhận hàng dọc đường khổ gấp trăm lần nhưng thu nhập cũng cao hơn. Xe khách Bắc - Nam thường đi qua thành phố vào lúc nửa đêm, sợ mình ngủ quên không ra kịp, nhiều khi mới đến cầu 110 – huyện Ea H’leo họ đã gọi, kêu sắp tới rồi, làm mình vội vội vàng vàng ra đợi. Muỗi cắn sưng hết cả tay chân. Lúc xuống hàng, gặp nhà xe nào chu đáo, thương tình thì họ sẽ phụ mình chất hàng lên xe, còn không một mình tôi phải “gánh hết”. Hôm nào nhiều hàng quá, tôi phải huy động cả ông xã tham gia chở cùng. Có đêm mưa to, chở được chuyến hàng, người rét run cầm cập. Tôi thường nhận chở trái cây nên dù vội đến mấy vẫn phải hết sức nhẹ nhàng, cẩn thận trước những bao hàng lớn. Công việc vất vả, hiểm nguy là vậy nhưng vì cuộc sống mưu sinh, tôi vẫn ráng làm để còn trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học”.

Gần 3 năm gắn bó với công việc giao hàng, chị Huệ là mối quen của nhiều cửa hàng buôn bán online trên địa bàn thành phố. Ngoài việc chở hàng nặng từ các nhà xe, trung bình mỗi ngày chị nhận được khoảng 25 - 30 đơn hàng nhỏ như quần áo, giày dép, đồ ăn. Tùy theo khoảng cách xa gần, với mỗi đơn hàng, chủ hàng sẽ trả cho chị từ 10.000 – 15.000 đồng. Nhớ ngày đầu chập chững làm shipper, do chưa quen đường đi lối lại, có đơn hàng chị mất cả nửa ngày mới giao được đến tay khách. Vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, đến giờ, chỉ cần nhìn qua địa chỉ người nhận là chị hình dung được họ ở khu vực nào ngay. Để thuận tiện cho công việc, chị còn tham gia vào các nhóm giao hàng có khá đông thành viên trên Zalo, chọn tìm các shipper nhanh nhẹn, hoạt bát, có uy tín nhằm chia sẻ đơn hàng, phân chia luồng tuyến.

Là shipper trung thành của một cửa hàng online chuyên buôn bán đồ ăn vặt, ngoài chi phí xăng xe, điện thoại, cơm trưa, mỗi tháng chị Vân (36 tuổi, ở phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) được trả lương cố định 6 triệu đồng. So với các shipper tự do, thu nhập của những “shipper chuyên trách” như chị Vân tuy không cao nhưng ổn định, nhất là trong những tháng mùa mưa. Từng là nhân viên tài chính, kế toán cho một công ty may mặc, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chị làm nghề giao hàng như một cái duyên. Vốn cẩn thận, tỉ mỉ, đêm nào chị cũng ngồi soát lại thật kỹ các đơn hàng, thống kê khách nợ, chuyển khoản hay đã thanh toán bằng tiền mặt, hạn chế thấp nhất những sai sót có thể xảy ra. Chị Vân kể: “Có hôm tôi nhận giao 15 ly trà sữa cho một khách hàng ở tận phường Khánh Xuân. Thế nhưng khi gần đến nơi thì họ điện thoại nói thay đổi địa chỉ nhận hàng ở cổng số 1. Sợ trời nóng, để lâu trà sữa mất ngon, tuy còn một số đơn hàng cần giao tại khu vực Khánh Xuân, Ea Tam song tôi vẫn vội vã quay về. Vậy mà gọi điện cả chục cuộc vẫn không thấy họ bắt máy, sợ họ bận, tôi ráng đợi thêm một lúc lâu, rồi đành lủi thủi ra về. Chia sẻ với chủ hàng, tháng ấy tôi tự nguyện trích lại một phần lương nhưng chị chủ kiên quyết không nhận. Thi thoảng đi giao hàng, tôi lại được khách cho thêm, tuy số tiền chẳng đáng là bao nhưng cảm giác rất vui và hạnh phúc. Tiền ấy tôi thường để dành nuôi heo đất, coi như cái lộc của mình”.

Trước khi lấy vợ, anh Minh (32 tuổi, trú phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) là tài xế xe tải đường dài. Từ ngày có con nhỏ, anh chuyển hẳn sang làm shipper để được ở gần nhà, có điều kiện chăm sóc, đỡ đần vợ nhiều hơn. Ngày nào cũng vậy, bất kể trời mưa hay nắng, công việc của anh luôn bắt đầu từ sáng sớm đến tận tối khuya. Cao to, nhanh nhẹn, sau một thời gian chạy đơn lẻ đi giao hàng cho khách, anh chuyển hẳn sang chở hàng nặng, cồng kềnh cho các shop online bởi thu nhập ổn định hơn. Anh Minh trải lòng: “Những ngày giáp Tết, tôi làm không hết việc. Nhưng sau Tết, các shop online chưa hoạt động, thi thoảng tôi lại phải vào các hội nhóm xem có ai cần mua đồ ăn, thức uống thì chạy đi mua và giao cho họ để có thêm thu nhập. Làm shipper độc lập, tự ăn tự chịu, không may bị “bom hàng” là coi như cả ngày làm việc không công. Thế nên trước khi nhận đơn, tôi thường tìm hiểu nhanh một vài thông tin của khách hàng, nếu gặp phải nick ảo, hay những nick từng bị bóc phốt thì lựa lời từ chối khéo ngay”.

Như nhịp cầu gắn kết người mua kẻ bán, hình ảnh các shipper ngày ngày rong ruổi trên các tuyến đường trao tận tay những món hàng cho khách giờ đây đã trở nên quen thuộc với nhiều người.

An Khang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.