Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui trên con đường mới

09:36, 07/03/2021

Tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay, người dân các xã Ea Riêng, Ea H’mlay, Ea M’đoal (huyện M’Drắk) sinh sống dọc Quốc lộ 19C vô cùng phấn khởi khi tuyến đường này được sửa chữa, nâng cấp, không còn cảnh “nắng bụi, mưa lầy”…

Quốc lộ 19C là tuyến giao thông huyết mạch nối ba xã Ea M’đoal, Ea H’mlay, Ea Riêng đến thị trấn M’Drắk, nối các tỉnh Đắk Lắk – Phú Yên – Bình Định. Tuyến đường này được làm từ năm 1998, trước đó là đường cấp huyện; năm 2014 khi huyện bàn giao cho Sở Giao thông vận tải thì được nâng cấp lên thành Tỉnh lộ 13B. Đến năm 2016, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ra quyết định chuyển đoạn đường ĐT.13B tỉnh Đắk Lắk từ điểm giao với Quốc lộ 19C tại Km 158+050 (giáp ranh tỉnh Phú Yên) đến điểm giao với đường Trường Sơn Đông tại Km 517+720 thành Quốc lộ 19C và giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý, bảo trì và khai thác. Kết cấu của đường được làm bằng đá dăm láng nhựa với chiều rộng 3,5 m, lề đường rộng 1 m; chiều dài tuyến đường khoảng 26,9 km đi qua bốn xã Ea M’đoal, Ea Riêng, Ea Lai, Krông Jing của huyện M’Drắk.

Các đơn vị thi công gấp rút hoàn thành tuyến Quốc lộ 19C ngay trước Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Các đơn vị thi công gấp rút hoàn thành tuyến Quốc lộ 19C ngay trước Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Từ nhiều năm nay, tuyến Quốc lộ 19C đã xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có khoảng 26,4 km từ xã Ea Lai đến đầu tuyến xã Ea M’đoal mặt đường đã bị bong tróc hoàn toàn, trời nắng thì bụi mù mịt, mưa thì ngập nặng. Đặc biệt, vào thời điểm thu hoạch nông sản và khai thác rừng keo nguyên liệu, khói, bụi của các phương tiện lưu thông cùng với tình trạng xuống cấp của con đường khiến môi trường bị ô nhiễm, gây khó khăn cho đời sống của hơn 4.000 hộ, 16.000 nhân khẩu ở các xã phía đông bắc huyện M’Drắk. Giao thông khó khăn cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội khi nông sản thu hoạch của người dân địa phương luôn phải bán với giá thấp hơn thị trường.

Trước thực trạng đó, năm 2018 Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phê duyệt Dự án sửa chữa hư hỏng mặt đường 19C với chiều dài khoảng 11,5 km, từ Km 166+500 đến Km 177+950, tổng vốn đầu tư gần 50 tỷ đồng; tuy nhiên đến cuối năm 2020, đơn vị quản lý đoạn tuyến Quốc lộ 19C là Chi cục Quản lý đường bộ III.5 mới nhận được kinh phí để thực hiện. Từ tháng 10-2020, giai đoạn I của Công trình “Sửa chữa nền mặt đường và hệ thống an toàn giao thông Quốc lộ 19C” với vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng đã thực hiện vá lấp các ổ sụt lún, rải thảm bê tông nhựa nóng từ Km 166+500 đến Km 177+950, mở rộng mặt đường từ 3,5 m lên 5m; riêng đoạn qua chợ Ea Riêng rộng 7,5 m.

Đoạn qua chợ Ea Riêng được mở rộng lên 7,5 m thuận tiện cho giao thương của nhân dân địa phương.
Đoạn qua chợ Ea Riêng được mở rộng lên 7,5 m thuận tiện cho giao thương của nhân dân địa phương.

Công trình sửa chữa Quốc lộ 19C được hoàn thành và kịp đưa vào sử dụng ngay trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Các hộ dân dọc tuyến cũng đầu tư lắp đặt hệ thống chiếu sáng vừa tạo mỹ quan vừa đảm bảo ánh sáng và an ninh trật tự trên tuyến. Giao thông thuận lợi, tạo cơ hội mới trong phát triển kinh tế cho nhân dân khu vực ba nông trường 715 A-B-C. Ông Đào Ngọc Chiên, người dân thôn 17 (xã Ea Riêng) không giấu được niềm vui: "Gần chục năm qua, tuyến đường này đã xuống cấp, gây khó khăn cho cuộc sống người dân và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Năm nay, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tuyến đường được sửa chữa, nâng cấp bê tông phẳng lì, rộng rãi, niềm mơ ước của người dân bấy lâu nay đã thành hiện thực".

Không chỉ gia đình ông Đào Ngọc Chiên mà gần 1.760 hộ dân, với gần 7.000 nhân khẩu của xã Ea Riêng vô cùng phấn khởi khi có con đường rộng rãi, khang trang.  

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.