Sức trẻ dựng xây quê hương mới
Bám đất bám làng, dựng xây cuộc sống mới
Từ trung tâm xã Ya Lốp băng qua con đường cấp phối gập ghềnh hơn chừng 15 km, Làng thanh niên lập nghiệp hiện ra nằm bên những vạt rừng nghèo và rẫy mía mướt xanh. Đi dọc làng, nhìn những ngôi nhà khang trang, ô tô, xe máy chạy xình xịch, có thể cảm nhận rõ sự đổi thay của vùng đất heo hút, hoang vu năm nào.
Trước đây, gia đình chị H’Mít Niê (quê ở xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) thuộc diện khó khăn, mẹ lại mất sớm, nên cuộc sống hết sức chật vật. Năm 2012, chị mới ra trường, đang xoay xở tìm việc làm, tương lai chưa biết thế nào thì Tỉnh Đoàn có chủ trương kêu gọi thanh niên tình nguyện đi xây dựng kinh tế mới, chị đã xung phong đến vùng đất này. Đến đây, chị H’Mít được biên chế vào làm giáo viên tại Trường Mầm non Hoa Sen, vừa được làm công việc dạy trẻ yêu thích, vừa có thu nhập ổn định nên chị rất vui mừng. Một thời gian sau, chồng chị cũng về đây để cùng vợ con dựng xây cuộc sống mới. Giờ chị H’Mít ngoài đi dạy còn mở quán kinh doanh tạp hóa, chồng thì làm 3 ha rẫy, nên kinh tế ổn định, cuộc sống bình yên.
Vừa làm giáo viên, vừa buôn bán tạp hóa nên gia đình chị H'Mít Niê có thu nhập ổn định. |
Anh Lý Văn Sài là một trong những công dân đầu tiên của Làng thanh niên lập nghiệp. Anh quê ở xã Cư Bông (huyện Ea Kar), trước đây gia đình thuộc diện nghèo, đất canh tác ít. Năm 2008 anh quyết định đến mảnh đất này để lập nghiệp. Những ngày đầu ở một nơi xa xôi hẻo lánh, khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn, anh cũng có ý định quay về quê cũ. Nhưng nghĩ đến tương lai các con, anh quyết tâm trụ lại, xoay xở tìm cách thoát nghèo. Năm 2012, khi UBND tỉnh thành lập thôn Thanh niên lập nghiệp thì anh được giao làm Trưởng thôn. Anh Sài cho biết, thời gian đầu có 13 thanh niên vào làng, cuộc sống muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Mọi người động viên nhau bám đất bám làng, vươn lên phát triển kinh tế. Dần dần, nhiều người ở các huyện Ea Kar, M’Drắk, Krông Ana, Ea H’leo, Krông Búk lần lượt đến vùng đất này. Hiện thôn Thanh niên lập nghiệp có 153 hộ, 654 nhân khẩu. Ở đây tuy khí hậu khắc nghiệt nhưng đất rộng, có nhiều sườn đồi thấp, người dân tận dụng lợi thế này để phát triển trồng cây, chăn nuôi bò. Gần đây, nhiều hộ dân tham gia liên kết với doanh nghiệp, được bao tiêu sản phẩm và cho thu nhập ổn định. Người dân ở đây luôn được Tỉnh Đoàn và chính quyền địa phương quan tâm, thường xuyên tổ chức tập huấn, giới thiệu kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi nên đời sống kinh tế của bà con đã khá hơn, sau khi trừ chi phí, mỗi hộ dành dụm được khoảng 50 triệu đồng/năm.
Niềm tin cho hành trình mới
Làng Thanh niên lập nghiệp xã Ia Lốp là một trong những dự án của Trung ương Đoàn, nhằm phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên trong thực hiện phong trào “Thanh niên xung kích sáng tạo lập thân lập nghiệp”, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất nông nghiệp, phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực biên giới; giải quyết việc làm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thanh niên và xây dựng mô hình mẫu của Đoàn Thanh niên tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới. Năm 2010, Trung ương Đoàn bàn giao Tỉnh Đoàn Đắk Lắk quản lý để thu hút thanh niên tình nguyện đến đây khởi nghiệp, tạo lập cuộc sống mới.
Mô hình trồng cây tếch của một hộ dân thôn Thanh niên lập nghiệp, xã Ya Lốp. |
Chủ tịch UBND xã Ya Lốp Đoàn Minh Thuận cho biết, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm đến an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người dân thôn Thanh niên lập nghiệp vay vốn, tập huấn khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Hiện, thôn này đã có nhiều thay đổi, có nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi giúp bà con có thu nhập ổn định, trẻ em được chăm sóc, học hành đầy đủ. Hệ thống chính trị ở thôn luôn phối hợp với chính quyền địa phương trong việc thực hiện quy chế biên giới, giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ rừng.
Để các gia đình thanh niên được ổn định lâu dài, phát triển kinh tế, gắn với bảo vệ vùng biên giới, Tỉnh Đoàn đã kiến nghị UBND tỉnh đồng ý chủ trương bàn giao Làng thanh niên lập nghiệp về cho địa phương quản lý. Theo đó, toàn bộ địa giới hành chính, các công trình xây dựng và dân cư sẽ giao về cho xã Ya Lốp quản lý. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tiếp tục quản lý, khai thác 200 ha đất liên kết sản xuất và hơn 1.606 ha rừng nghèo kiệt. Theo đại diện UBND xã Ya Lốp, khi bàn giao về cho địa phương quản lý, người dân sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở và đất sản xuất. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất hạ tầng cũng sẽ được Nhà nước đầu tư để phục vụ đời sống và sản xuất của bà con. Đặc biệt, hệ thống kênh tưới công trình Hồ thủy lợi Ia Mơ sắp sửa hoàn thành sẽ phục vụ nước tưới cho hàng trăm héc ta đất sản xuất của người dân trong vùng. “Được đầu tư hạ tầng, nhất là thủy lợi thì vùng đất này sẽ được “tắm mát”, khi đó, đời sống của người dân sẽ khá lên nhiều”, Chủ tịch UBND xã Ya Lốp Đoàn Minh Thuận tin tưởng.
Tại thôn Thanh niên lập nghiệp, hiện 100% hộ dân được cấp thẻ bảo hiểm y tế, 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường. Tỷ lệ hộ nghèo từ 100% năm 2014 đến nay giảm xuống còn 54%. Bên cạnh đó, 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, giếng khoan đảm bảo nước sinh hoạt kể cả trong mùa khô hạn. |
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc