Multimedia Đọc Báo in

Xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc): Người dân thôn Tân Bình mong có đường điện an toàn

06:13, 23/03/2021

Để có điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất, hơn 24 năm qua, người dân thôn Tân Bình – thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã vùng III Ea Hiu (huyện Krông Pắc) phải tự kéo điện, dẫn đến nguy cơ mất an toàn. Người dân nơi đây rất mong có một đường dây hạ thế an toàn.

Thôn Tân Bình được thành lập năm 1997, trên cơ sở tách ra từ thôn Quảng Tân (xã Ea Hiu) với 65 hộ, 320 khẩu. Năm 1998, Nhà nước đầu tư đưa điện về thôn nhưng chỉ dọc theo tuyến đường trung tâm, cách xa nhà các hộ dân trong thôn từ 100 - 450 m.

Để có điện sinh hoạt, lúc đó mỗi hộ dân trong thôn đã đóng góp trung bình từ  900.000 đồng đến 1,3 triệu đồng cho Hợp tác xã điện Tân Sơn để hạ thế, sau đó từng hộ tự mua dây kéo điện về nhà sử dụng. Tất cả các đồng hồ điện đều được đặt ở trụ chính. Năm 2015, hợp tác xã giải thể. Sau 20 năm sử dụng, đường dây điện tự kéo ngày càng xuống cấp, quá tải. Các trụ gỗ do người dân tự dựng cũng mục nát, xiêu vẹo khiến đường dây thường xuyên bị chập điện, nổ cầu chì...

Năm 2018, các hộ trong thôn lại tự đóng góp tiền để thay đường dây mới. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao, nhất là vào những tháng mùa khô nên vẫn không tránh khỏi tình trạng quá tải.

Đường dây điện tự kéo của người dân thôn Tân Bình (xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc).
Đường dây điện tự kéo của người dân thôn Tân Bình (xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc).

Sinh sống tại thôn từ năm 1983, bà Đặng Thị Hương đã trải nghiệm nhiều khó khăn khi hàng chục hộ dùng chung một đường dây điện tự kéo. Bà Hương than phiền: “Vào những lúc cao điểm, các thiết bị điện đều chập chờn, nồi cơm điện đang nấu cũng tự ngắt do không đủ điện áp, cơm bữa chín, bữa sống. Cứ một thời gian lại bị nổ cầu chì hoặc đứt dây, mất điện. Chúng tôi làm nông, thu nhập bấp bênh mà phải gánh thêm hao hụt đường dây, mỗi tháng phải trả từ 300.000 - 500.000 đồng tiền điện, thực sự khó khăn”.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thu cho biết, gia đình tự bỏ tiền kéo điện hai lần hết hơn 4 triệu đồng. Chi phí tiêu hao đường dây lớn, giá điện cao nhưng nguồn điện lại không thể đáp ứng được nhu cầu. Mùa khô người dân sử dụng điện phục vụ sản xuất, nhiều thiết bị điện thông thường như nồi cơm điện, tủ lạnh, ti vi... chỉ dùng được vào giờ thấp điểm nếu không dễ bị hư hỏng.

Đường dây điện do người dân thôn Tân Bình (xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc) tự kéo đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Đường dây điện do người dân thôn Tân Bình (xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc) tự kéo đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Đường dây điện tự kéo của người dân chủ yếu là các loại dây nhỏ, quá tải, mất an toàn. Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng thôn Tân Bình cho hay, năm 2019, một người dân trong thôn đã bị điện giật nhưng rất may không nguy hiểm tính mạng. Trước tình trạng trên, Ban tự quản thôn đã làm 5 tờ trình gửi UBND xã và nhiều lần nêu ý kiến trong các hội nghị tiếp xúc cử tri bày tỏ nguyện vọng được quan tâm, đầu tư lắp đặt thêm trụ điện và đường dây hạ thế an toàn. Mong rằng các ngành chức năng sớm triển khai thực hiện, đáp ứng mong mỏi chính đáng của người dân.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.