Multimedia Đọc Báo in

Thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới: Xóa bỏ định kiến giới trong các lĩnh vực (Kỳ 2)

08:31, 19/05/2021

Kỳ 2: Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế

Để giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung hỗ trợ nguồn lực, ưu đãi chính sách, giúp phụ nữ khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội.

Tạo tiền đề cho phụ nữ khởi nghiệp

Từ xưa đến nay, phụ nữ thường chỉ được xem là người nội trợ, cũng là đối tượng chính trong nhóm lao động có thu nhập thấp, dễ rơi vào tình trạng thiếu việc làm hoặc thất nghiệp. Với đặc tính giới, phụ nữ cũng gặp khó khăn hơn nam giới trong hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, ít có cơ hội để tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, được đào tạo hay đi giao lưu, học hỏi.

Vì vậy, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp được Hội LHPN tỉnh xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Trong đó Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” do các cấp Hội LHPN trong tỉnh triển khai đã tạo được sự lan tỏa, phát huy hiệu quả, được các cấp, ngành, địa phương đồng thuận, đánh giá cao và thu hút ngày càng đông chị em tham gia.

Phụ nữ tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Sàn giao dịch việc làm do Hội LHPN tỉnh tổ chức.
Phụ nữ tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Sàn giao dịch việc làm do Hội LHPN tỉnh tổ chức.

Thực hiện đề án từ năm 2017 đến nay, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động đa dạng, hiệu quả như: giúp đỡ, tư vấn phụ nữ hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp; tổ chức chương trình “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” hằng năm; hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ về khởi nghiệp... Các cấp hội đã huy động nguồn lực và phát huy nội lực trong chị em để hỗ trợ gần 3.200 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với tổng số vốn trên 41,3 tỷ đồng. Qua đó đã tạo tiền đề cho phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình.

Chủ tịch Hội LHPN thị xã Buôn Hồ Nguyễn Phan Minh Tiết cho biết: Để giúp phụ nữ có thêm cơ hội “khơi nguồn” và hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, từ năm 2017 đến nay, Hội LHPN thị xã đã trao vốn hỗ trợ cho trên 670 hội viên với tổng số tiền trên 6,7 tỷ đồng; tổ chức tập huấn kiến thức, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tổ chức Ngày phụ nữ khởi nghiệp cấp thị xã; thành lập trang Zalo “Bách hóa phụ nữ Buôn Hồ” nhằm giới thiệu, kết nối online để tiêu thụ sản phẩm do hội viên, phụ nữ làm ra. Qua đó, đã có nhiều mô hình khởi nghiệp thành công như: Tổ hợp tác chế biến cà phê 7G, Hợp tác xã nuôi gà thả vườn Minh Hạnh, Hợp tác xã Tinh bột Ngô Thân...

Giúp phụ nữ làm chủ cuộc sống

Việc thay đổi quan niệm của phụ nữ, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nghèo, đơn thân, khuyết tật về giá trị của sự độc lập, tự chủ về kinh tế, xóa dần khoảng cách về giới trong lĩnh vực lao động, việc làm là một trong nhiều giải pháp nhằm bảo đảm bình đẳng giới. Thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã triển khai thực hiện Cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số” với mô hình điểm ở xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin). Trên cơ sở đó, các cấp hội đã ra mắt 15 mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, may mặc.

 

Nỗ lực thực hiện các chính sách nhằm thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, giúp chị em tự tin thể hiện bản lĩnh, tiếng nói của mình”.

 

 
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thu Nguyệt

Hay như Hội LHPN xã Cư Elang (huyện Ea Kar), nhận thấy đời sống của hội viên phụ nữ buôn Vân Kiều và Ea Rớt còn nhiều khó khăn do thiếu vốn, đất, kinh nghiệm sản xuất nhưng diện tích đất trống gần nhà lại bỏ hoang, năm 2020, Hội LHPN xã đã triển khai mô hình nói trên, hỗ trợ 6 triệu đồng, hướng dẫn kỹ thuật theo cách “cầm tay chỉ việc” cho 2 hội viên dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn để trồng 2,6 sào lúa. Hội còn vận động chính quyền địa phương hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và huy động thêm 4 chị tham gia. Sau khi thu hoạch, năng suất lúa đạt 6,5 tạ/sào, cao hơn 2 lần so với cách làm trước đây. Chị H’Nghiết Ksơ ở buôn Vân Kiều vui mừng: “Được sự trợ giúp của Hội, chị em hiểu ra đúng là “tấc đất tấc vàng”, chịu khó trồng tỉa, đầu tư, chăm sóc thì dù diện tích ít cũng không lo thiếu ăn. Từ hiệu quả của mô hình này, chị em trong buôn đã bảo nhau tận dụng đất trống để trồng trọt, chăn nuôi chứ không để hoang như trước”.

Cán bộ Hội LHPN xã Ea Ô (huyện Ea Kar) thăm mô hình trồng cây ăn quả của hội viên trên địa bàn xã.
Cán bộ Hội LHPN xã Ea Ô (huyện Ea Kar) thăm mô hình trồng cây ăn quả của hội viên trên địa bàn xã.

Cùng với các cấp hội LHPN, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các đơn vị hữu quan cũng triển khai nhiều chương trình, hoạt động giúp phụ nữ vươn lên làm chủ cuộc sống, thu hẹp dần khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm. Theo Phó Giám đốc Sở lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Phượng, phần lớn các chỉ tiêu của mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế thuộc Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2016 – 2020 đều đạt và vượt. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 67.670 lao động nữ (đạt 46,97%), vượt chỉ tiêu đề ra gần 2%; đào tạo nghề cho 6.787 lao động nữ (đạt 65,5%); tín chấp cho 32.847 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được vay vốn tín dụng ưu đãi. Trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh có 3.180/9.068 doanh nghiệp có nữ làm chủ sở hữu (chiếm 35,07%), cao hơn chỉ tiêu 5%.

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Để phụ nữ tự bảo vệ và khẳng định mình

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.