Muốn góp tiếng nói cho xã hội tốt đẹp hơn
Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, công việc của người làm báo hiện nay có phần đỡ vất vả hơn.
Nhưng dù có được công nghệ trợ giúp thế nào chăng nữa thì phóng viên, nhà báo nào cũng phải đi thực tế. Bản thân tôi mới theo nghề phóng viên hơn 10 năm, vẫn chỉ là nhà báo trẻ so với những “cây đa, cây đề” trong làng báo tỉnh nhà, nhưng cũng đã đặt chân đến hầu hết các địa phương trong tỉnh với những buồn vui qua những chuyến đi tác nghiệp ở cơ sở.
Một trong những chuyến đi tác nghiệp đáng nhớ của tôi là lần về các xã Ea Trang và Cư San của huyện M’Drắk để phản ánh về việc chặt phá rừng lấy trái ươi vào tháng 7-2014.
Khi đó, nhận được nguồn tin của bạn đọc, tôi rất háo hức phải về tìm hiểu thực tế, nhưng cũng có chút lo lắng vì e ngại một số rủi ro có thể xảy đến, trong khi bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm điều tra. Trước nguy cơ loại cây rừng khi đó được gọi là “vàng xanh” bị bức tử, “máu” nghề thôi thúc, tôi báo cáo đề tài với lãnh đạo phòng và lên đường.
Để tiếp cận được những lâm tặc, tôi cùng một người bạn phải "nhập vai" sinh viên ngành lâm nghiệp đi tìm hiểu thực tế mới thuyết phục được họ.
Tuy nhiên, phải sang ngày hôm sau, một người chuyên đi lấy ươi mới đồng ý cho chúng tôi vào rừng cùng. Tưởng mọi việc thuận lợi thì người dẫn đường chỉ đưa đến bìa rừng rồi tìm cớ thả lại đó.
Chúng tôi phải mò mẫm đi bộ theo lối mòn để vào sâu trong rừng, trong khi trời đang mưa, điện thoại thì mất sóng. Hơn một giờ sau chúng tôi mới vào đến khu vực có cây ươi bị chặt phá hàng loạt. Có được những hình ảnh rừng ươi bị xẻ thịt, tôi mới yên tâm về làm việc với cơ quan chức năng của huyện. Sau khi bài viết đăng trên báo, người dân địa phương phản ánh tình trạng chặt phá cây ươi đã được ngăn chặn.
Nhà báo Hoàng Tuyết (Báo Đắk Lắk) trong một chuyến tác nghiệp ở cơ sở. |
Đầu năm 2020, tôi cùng một phóng viên trong tòa soạn đi tìm hiểu thực tế để viết bài về đời sống của đàn voi nhà và công tác bảo tồn đàn voi Đắk Lắk.
Gần nửa tháng đi thực tế tại các cơ quan, địa phương, công việc không mấy khó khăn cho đến khi chúng tôi về các cánh rừng ở huyện Lắk để tìm hiểu, ghi nhận chuyện ăn, uống và những mối nguy đối với loài voi. Xe máy bị sự cố dọc đường, nhưng không thể bỏ lỡ chuyến đi, chúng tôi buộc phải thuê một chiếc xe “cùi” của người dân để tiếp tục hành trình.
Để tiếp cận được những con voi đang chăn thả trong rừng sâu, chúng tôi phải đi mấy chục cây số đường rừng, qua sông suối, nhiều đoạn phải đi bộ cả giờ đồng hồ. Băng rừng,vượt dốc, lội bùn đến gần trưa thì chúng tôi ai cũng mệt lả. Nữ đồng nghiệp đi cùng mặt tái mét, cảm giác như sắp xỉu nhưng kiên quyết không bỏ cuộc. Bảo đồng nghiệp ngồi nghỉ cho lại sức, tôi tiếp tục đi sâu vào rừng, khi chân rã rời không còn bước tiếp được nữa thì chú voi đã xuất hiện trước mắt. Khi về, nhờ sự giúp đỡ của anh chàng người địa phương với chiếc xe máy “đặc chủng”, chúng tôi mới ra khỏi rừng an toàn. Loạt bài sau đó của chúng tôi được nhiều bạn đọc quan tâm, đồng nghiệp các báo và các nhà nghiên cứu cũng xin chia sẻ tài liệu, hình ảnh để cùng lên tiếng bảo vệ loài voi.
Phóng viên, nhà báo cũng có những mệt mỏi, bế tắc, nhưng niềm tin với cuộc sống, với nghề nghiệp giúp chúng tôi tiếp tục dấn thân bằng sự nghiêm túc, trách nhiệm của người cầm bút. Điều hạnh phúc với chúng tôi sau những nhọc nhằn trên hành trình làm báo là góp tiếng nói cho một xã hội tốt đẹp hơn và những dấu chân để lại trên mọi nẻo đường…
Minh Thông