Multimedia Đọc Báo in

Những xúc cảm với nghề báo

07:34, 21/06/2021

Năm 2017, sau khi ra trường, tôi được Báo Đắk Lắk nhận vào làm cộng tác viên tại tòa soạn. Là sinh viên mới ra trường còn non kinh nghiệm, bởi thế tôi coi mỗi chuyến đi cơ sở là cơ hội trải nghiệm, trau dồi bản thân, tích lũy kinh nghiệm để vững vàng hơn với nghề.

Còn nhớ, lúc ấy cảm thấy viết về bất kỳ lĩnh vực nào cũng khó, tôi tìm đọc những bài viết đăng trên các số báo để học hỏi, nhất là tìm hiểu xem khi viết về đề tài, lĩnh vực nào thì người viết cần đề cập đến những nội dung gì. Thậm chí, tôi còn cẩn thận viết ra những câu cần hỏi vào cuốn sổ ghi chép, để khi về cơ sở có thể tự tin trao đổi, phỏng vấn.

Tác giả (bên phải) trong một lần tác nghiệp tại buôn M'liêng (xã Đắk Liêng, huyện Lắk).
Tác giả (bên phải) trong một lần tác nghiệp tại buôn M'liêng (xã Đắk Liêng, huyện Lắk).

Tuy vậy, dù đi nhiều nhưng tôi vẫn mang tính "khám phá" là chính, hiệu quả công việc, năng suất bài viết nhiều khi không tương xứng với thời gian, công sức bỏ ra. Nhiều lúc tôi cảm thấy hết sức nản lòng, đặc biệt là từ khi kết hôn và có đứa con đầu lòng. Lúc ấy, chính sự động viên của lãnh đạo cơ quan, cùng người thân đã giúp tôi tiếp tục với nghề báo. Tôi còn nhớ một người anh trong cơ quan đã từng nói với tôi: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề. Những ai gắn bó, tồn tại được với nghề báo là những người muốn đi và đi nhiều, ham học hỏi, tìm hiểu”. Đó là câu nói tác động mạnh mẽ khiến tôi nhớ mãi, bởi trước khi xin vào làm cộng tác viên tại Báo Đắk Lắk, tôi cũng đã từng làm nhiều nghề: từ bưng bê quán ăn, quán cà phê, phục vụ tiệc cưới, sale, đóng bầu đất thuê tại các cơ sở cây giống... Và rồi nhờ đó tôi có thêm động lực tiếp tục theo đuổi nghề báo.

Vốn ưa thích các đề tài về văn hóa xã hội, những chuyến đi của tôi chủ yếu về các buôn làng vùng sâu, vùng xa. Ở đó, tôi tìm thấy sự bình yên của cảnh vật cũng như cảm thấy yêu mến sự hồn hậu, chất phác của người dân. Còn nhớ những chuyến đi trong đêm về các buôn làng vùng sâu của huyện Krông Ana để viết về lớp học xóa mù chữ cho bà con người Êđê. Trong màn đêm tĩnh lặng, những phụ nữ U40, U50… khuôn mặt sạm nắng, dáng vẻ lam lũ, lại cầm theo vở bút, địu con, soi đèn đến lớp học với khát khao hết sức giản đơn là “đọc thông, viết thạo” để không còn phải điểm chỉ khi đi giao dịch vay vốn, ký nhận tiền, quà hỗ trợ. Lúc ấy, trong màn đêm tĩnh mịch, vang vọng những tiếng đánh vần của các bà, các mẹ khiến tôi hết sức xúc động. Xong việc thì đồng hồ cũng điểm 22 giờ, một mình chạy xe về trong đêm vắng với quãng đường hơn 40 km, tuy sợ nhưng tôi cảm thấy vui vì đã hoàn thành công việc.

Tác giả (bên trái) trong một lần tác nghiệp tại xã Cư Pơng (huyện Krông Búk)
Tác giả (bên trái) trong một lần tác nghiệp tại xã Cư Pơng (huyện Krông Búk).

Đối với tôi, mỗi chuyến đi về cơ sở, mỗi tác phẩm được hoàn thành đều là những kỷ niệm đáng nhớ với nhiều cảm xúc lẫn lộn: vui có, buồn có. Hơn thế nữa, tôi còn có cơ hội trải nghiệm, gặp gỡ các nhân vật thuộc nhiều ngành nghề trong xã hội. Đặc biệt, có những nhân vật trong bài viết khiến tôi phải suy nghĩ và trăn trở rất nhiều. Đó là một thầy giáo dù điều kiện kinh tế không khá giả nhưng vẫn dạy miễn phí cho trẻ em nghèo; tham gia các hoạt động từ thiện tại địa phương;  trợ giá tiền phòng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trọ học. Hay một chiến sĩ công an có tình yêu thương bao la với động vật sẵn sàng bỏ thời gian, tiền của, công sức để giải cứu, cưu mang những chú chó, mèo tội nghiệp tại ngôi nhà nhỏ mang tên “Nhà của cún em”... Chính những nhân vật như vậy đã truyền thêm cảm hứng và động lực, khiến tôi tự vấn lại bản thân và cảm thấy mình cần phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa với nghề mình đã chọn.

Huyền Diệu


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.